BỆNH VAN TIM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Bệnh van tim là tình trạng một hoặc nhiều van tim bị ảnh hưởng chức năng hoạt động, khiến việc lưu thông máu không thể diễn ra như bình thường. Nếu không được điều trị, bệnh có thể diễn tiến nặng làm giảm chất lượng cuộc sống và đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Hãy cùng tìm hiểu về bệnh van tim ngay tại đây:
Bệnh van tim là gì?
Van tim có cấu trúc đặc biệt nằm trong tim, có vai trò đảm bảo việc máu lưu chuyển giữa các buồng tim được hoạt động theo chu trình nhất định. Tổn thương trong bệnh van tim thường biểu hiện dưới hai dạng chính là hẹp van tim và hở van tim, hoặc có thể xuất hiện tình trạng tổn thương cả hẹp và hở van tim trên cùng một van tim.
Trong hẹp van tim các lá van trở nên dày và cứng, trong một số trường hợp xảy ra dính các mép van, điều này làm hạn chế khả năng mở của van tim, cản trở sự lưu thông dòng máu. Ngược lại, hở van tim là tình trạng các van tim đóng không kín do giãn vòng van, thoái hóa, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài làm cho dòng máu trào ngược lại trong thời kỳ đóng van.
Dấu hiệu nhận biết bệnh van tim?
Bệnh van tim mạn tính giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, ở giai đoạn muộn có thể có các dấu hiệu như:
- Khó thở, khó thở khi làm việc nặng hoặc khi người bệnh nằm đầu thấp.
- Mệt mỏi.
- Tim đập nhanh
- Đánh trống ngực
- Chóng mặt, hoa mắt
- Sưng chân, mắt cá chân
- Ho khan, nhất là vào ban đêm.
Nguyên nhân của bệnh van tim?
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến các bệnh van tim như:
- Bẩm sinh: Do khiếm khuyết ngay khi ở trong bào thai, đây được xem là khuyết tật bẩm sinh có thể được chẩn đoán khi trẻ còn nhỏ.
- Bệnh thấp tim: Van tim bị tổn thương do liên cầu khuẩn dẫn đến bệnh thấp tim, với bệnh lý này van bị dày dính, co kéo hoặc vôi hóa hay khít hẹp một thời gian dẫn đến tình trạng van đóng không kín dẫn đến hẹp – hở van.
- Bệnh cơ tim: đây bệnh lý làm thay đổi cấu trúc tim, có thể giãn các buồng tim trong bệnh cơ tim giãn nở hoặc dẫn đến hở van tim.
- Nhồi máu cơ tim: hở van hai lá do đứt dây chằng hoặc rối loạn vận động của cột cơ là một trong những biến chứng hay gặp ở người bệnh bị nhồi máu cơ tim, nhất là nhồi máu vùng sau dưới.
- Thoái hoá van: tuổi càng cao thì van tim càng dễ bị thoái hoá, dễ bị rách và bị vôi hóa van tim khiến cho van tim bị dày và xơ cứng, cản trở lưu lượng máu đi qua.
- Sa van tim: Khi van nằm giữa buồng tim trên và buồng tim dưới bên trái đóng không đúng cách dẫn đến việc van lồi lên vào trong buồng tim phía nhĩ trái. Sa van hai lá thường gặp nhất, có thể là do đứt dây chằng sau nhồi máu cơ tim, chấn thương hoặc do giãn vòng van hai lá do suy tim, giãn buồng tim.
- Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như do chấn thương, do xạ trị, rối loạn nhịp tim cũng có thể gây tổn thương van tim.
Nguy cơ nếu điều trị bệnh van tim muộn?
Theo nghiên cứu thì cứ mỗi giờ trôi qua sẽ có hơn 300 lít máu được tim bơm đi nuôi cơ thể. Khi van tim bị tổn thương, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ số lượng máu mà cơ thể cần. Lâu ngày, cơ tim có thể dày lên hoặc giãn ra làm cho tim to ra. Điều này kéo dài làm giảm khả năng co bóp của tim và dẫn đến suy tim, loạn nhịp tim.
Ngoài ra, khi các buồng tim giãn và tim giảm co bóp làm máu bị ứ lại tại tim, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc mạch, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Các phương pháp điều trị bệnh van tim?
Mỗi bệnh lý van tim khác nhau, trên từng loại van tim khác nhau sẽ có chỉ định can thiệp khác nhau. Đồng thời, tùy vào thể trạng người bệnh, lựa chọn của họ cũng như các bệnh lý kèm theo tại tim mà bác sĩ sẽ định hướng điều trị bằng thuốc hay can thiệp, trong can thiệp có phẫu thuật thay van tim, sửa van tim hay can thiệp van tim qua da mà không cần phẫu thuật.
Kết luận:
Bệnh van tim là căn bệnh nguy hiểm, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường diễn tiến âm thầm. Vì vậy, chúng ta cần tầm soát sớm khi có các dấu hiệu nghi ngờ hoặc gia đình có người bị bệnh lý tim mạch, để phát hiện và sữa chữa kịp thời, tránh trường hợp bệnh đã có nhiều biến chứng việc can thiệp không còn hiệu quả.
Nguồn: Thạc sĩ Bác sĩ Tạ Đức Luân – Trưởng khoa Nội Tổng hợp 1 – Bệnh viện Đồng Nai -2