Bệnh van tim: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó bệnh van tim ngày càng trở nên phổ biến. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính, thường không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu, khiến việc phát hiện và điều trị sớm gặp nhiều khó khăn. Khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này, Bệnh viện Đồng Nai -2 sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh.
Bệnh van tim là gì?
Hệ thống van tim gồm van hai lá, ba lá, động mạch chủ và động mạch phổi có chức năng điều tiết dòng máu một chiều, ngăn máu trào ngược vào các buồng tim sau mỗi nhịp đập.
Mỗi van tim được cấu tạo từ các lá van, hoạt động mở và đóng trong từng nhịp đập của tim. Nếu một hoặc nhiều van không thực hiện chức năng này chính xác, dòng máu lưu thông qua tim và đến các cơ quan trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến các bệnh van tim.
Bệnh van tim là một tình trạng có thể tồn tại từ khi sinh ra (bệnh bẩm sinh) hoặc phát triển ở tuổi trưởng thành do nhiều yếu tố như nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác liên quan đến tim mạch.
Nguyên nhân của bệnh van tim
Các nguyên nhân gây bệnh van tim bao gồm:
- Sa van hai lá: Lá van hai lá phình vào tâm nhĩ trái khi tim co bóp, khiến van không đóng kín và gây trào ngược máu.
- Thấp tim: Sốt thấp khớp, biến chứng của viêm họng liên cầu khuẩn không điều trị, có thể gây hở van tim, suy tim hoặc dẫn đến hẹp hở van tim về lâu dài.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Nhiễm trùng màng trong tim làm tổn thương van, gây rách, thủng hoặc cản trở hoạt động đóng mở.
- Thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim: Gây đứt dây chằng, trụ cơ hoặc làm rối loạn hoạt động cơ tim, dẫn đến hở van hai lá.
- Bệnh cơ tim: Huyết áp cao hoặc bệnh lý khác làm tim phải hoạt động quá mức, khiến tâm thất trái giãn to, kéo căng mô van và gây hở van.
- Chấn thương: Tai nạn lao động, giao thông có thể gây hở van tim do đứt dây chằng.
- Dị tật tim bẩm sinh: Trẻ sinh ra với tổn thương ở van tim.
- Xạ trị: Xạ trị ung thư vùng ngực trong một số trường hợp hiếm gây tổn thương van tim.
- Rung nhĩ: Nhịp tim bất thường làm giãn tâm nhĩ, giãn vòng van, dẫn đến bệnh lý van tim.
Dấu hiệu nhận biết bệnh van tim
Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bệnh van tim bao gồm:
- Khó thở, khó thở khi làm việc nặng hoặc khi người bệnh nằm đầu thấp.
- Mệt mỏi.
- Tim đập nhanh
- Đánh trống ngực
- Chóng mặt, hoa mắt
- Sưng chân, mắt cá chân
- Ho khan, nhất là vào ban đêm.
- Có thể tăng hơn 1kg trong một ngày.
Các bệnh lý van tim được chẩn đoán ra sao?
Để chẩn đoán bệnh van tim, bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát, hỏi về tiền sử bệnh cá nhân và gia đình. Sử dụng ống nghe có thể phát hiện âm thổi bất thường ở tim, dấu hiệu máu chảy qua van bị hẹp hoặc hở. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp cận lâm sàng như:
- Siêu âm tim: Quan sát hình ảnh chuyển động của van và buồng tim.
- X-quang tim phổi: Phát hiện bóng tim to, tình trạng sung huyết phổi.
- Điện tâm đồ: Ghi nhận dày giãn buồng tim, rung nhĩ.
- Các kỹ thuật khác: Siêu âm tim qua thực quản (TEE), siêu âm tim gắng sức, chụp CT tim, chụp cộng hưởng từ (MRI).
Các loại bệnh van tim thường gặp
Bệnh van tim thường gặp ở 3 dạng chính:
- Hẹp van tim: Xảy ra khi van tim không mở hoàn toàn do lá van bị cứng hoặc dính, làm khe hở thu hẹp. Điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, lâu ngày dẫn đến suy tim và biến chứng nghiêm trọng. Tất cả 4 van tim đều có thể bị hẹp, như: hẹp van hai lá, van ba lá, van động mạch phổi, hoặc van động mạch chủ.
- Hở van tim: Hay còn gọi là “trào ngược van tim”, xảy ra khi van không đóng kín, khiến máu rò rỉ ngược lại. Khi rò rỉ nặng, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp, dẫn đến lượng máu đến các cơ quan giảm. Tùy vị trí, tình trạng này có thể là hở van hai lá, ba lá, động mạch phổi, hoặc động mạch chủ.
- Hẹp hở van phối hợp: Là sự kết hợp giữa tình trạng hẹp và hở van, như hẹp hở van hai lá hoặc hẹp hở van động mạch chủ.
Các phương pháp điều trị bệnh van tim
Mỗi bệnh lý van tim khác nhau, trên từng loại van tim khác nhau sẽ có chỉ định can thiệp khác nhau. Đồng thời, tùy vào thể trạng người bệnh, lựa chọn của họ cũng như các bệnh lý kèm theo tại tim mà bác sĩ sẽ định hướng điều trị bằng thuốc hay can thiệp, trong can thiệp có phẫu thuật thay van tim, sửa van tim hay can thiệp van tim qua da mà không cần phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị bệnh van tim phổ biến bao gồm:
Dùng thuốc
Bệnh nhân có thể được kê các loại thuốc nhằm giảm triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương van tim. Thuốc thường dùng gồm: thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc giãn mạch, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta, thuốc chống đông máu,… Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần theo dõi và sử dụng thuốc lâu dài.
Nong van tim bằng bóng
Đây là phương pháp sửa chữa van bị hẹp bằng cách đưa bóng vào để mở rộng van. Phương pháp này thích hợp với bệnh nhân hẹp van 2 lá, hẹp động mạch chủ không thể phẫu thuật hoặc hẹp van động mạch phổi.
Phẫu thuật sửa van tim
Phương pháp này giúp sửa chữa van bị tổn thương mà không cần sử dụng van nhân tạo. Ưu điểm là giảm nguy cơ nhiễm trùng, hạn chế việc dùng thuốc làm loãng máu suốt đời, đồng thời bảo tồn sức mạnh cơ tim.
Phẫu thuật thay van tim
Thay van nhân tạo là phương pháp thay thế van bị hỏng, gồm hai loại:
- Van cơ học: Làm từ vật liệu nhân tạo (carbon, titanium), có tuổi thọ cao (20-30 năm). Tuy nhiên, bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời để ngăn ngừa cục máu đông.
- Van sinh học: Làm từ mô động vật (lợn, bò), có tuổi thọ 10-15 năm. Người bệnh thường không cần dùng thuốc chống đông lâu dài, trừ trường hợp có bệnh lý khác như rung nhĩ. Van sinh học phù hợp với người trên 60 tuổi, trong khi người trẻ có nguy cơ phải mổ lại do thoái hóa van nhanh hơn.
Nguy cơ nếu điều trị bệnh van tim muộn
Theo nghiên cứu thì cứ mỗi giờ trôi qua sẽ có hơn 300 lít máu được tim bơm đi nuôi cơ thể. Khi van tim bị tổn thương, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ số lượng máu mà cơ thể cần. Lâu ngày, cơ tim có thể dày lên hoặc giãn ra làm cho tim to ra.
Điều này kéo dài làm giảm khả năng co bóp của tim và dẫn đến suy tim, loạn nhịp tim. Ngoài ra, khi các buồng tim giãn và tim giảm co bóp làm máu bị ứ lại tại tim, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc mạch, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Bài viết tham khảo: Tìm hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Người bệnh van tim cần nên lưu ý những gì?
Bất thường ở van tim làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc, đặc biệt với người đã phẫu thuật sửa hoặc thay van. Để phòng ngừa, bạn nên lưu ý các vấn đề sau:
- Liên hệ bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng như đau họng, sốt, đau nhức cơ thể.
- Chăm sóc răng miệng cẩn thận, khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần và thông báo tình trạng bệnh khi điều trị.
- Uống kháng sinh dự phòng trước các thủ thuật có nguy cơ chảy máu (như làm răng, xét nghiệm xâm lấn, phẫu thuật) theo hướng dẫn bác sĩ.
- Tái khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ đồng thời kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Tìm hiểu thêm về các bệnh:
Khi nghi ngờ mắc bệnh van tim cần nên làm gì?
Khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ bệnh van tim, cần khám bác sĩ chuyên khoa ngay. Bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm như X-quang ngực, điện tâm đồ, siêu âm tim. Trường hợp nghiêm trọng có thể cần các kỹ thuật phức tạp hơn như CT scan hoặc MRI để chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Phương pháp phòng ngừa sớm van tim
Lời khuyên giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch:
- Ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, gia cầm không da, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Vận động thường xuyên: Tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần với các bài tập như đi bộ, bơi lội, yoga.
- Giảm cân: Duy trì BMI < 23 để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh lý khác.
- Hạn chế rượu: Nam uống tối đa 2 ly/ngày, nữ 1 ly/ngày, tránh cocktail nhiều đường.
- Bỏ thuốc lá: Ngừng hút thuốc để giảm nguy cơ tim mạch và các bệnh ung thư, phổi.
- Giảm căng thẳng: Cân bằng công việc – nghỉ ngơi, thiền, yoga, tránh các tác nhân gây căng thẳng.
- Khám sức khỏe định kỳ: Thăm khám bác sĩ tim mạch từ 1-2 lần/năm, với bệnh nhân thay van tim cần kiểm tra thường xuyên hơn.
Bệnh van tim là căn bệnh nguy hiểm, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường diễn tiến âm thầm. Vì vậy, chúng ta cần tầm soát sớm khi có các dấu hiệu nghi ngờ hoặc gia đình có người bị bệnh lý tim mạch, để phát hiện và cứu chữa kịp thời, tránh trường hợp bệnh đã có nhiều biến chứng việc can thiệp không còn hiệu quả.
Nguồn: Thạc sĩ Bác sĩ Tạ Đức Luân – Trưởng khoa Nội Tổng hợp 1 – Bệnh viện Đồng Nai -2