Xuất tinh ra máu: Nguyên nhân, triệu chứng và những điều cần biết
Khi xuất tinh, xuất hiện vệt màu đỏ, nâu hoặc lẫn những cục máu đông nhỏ trong tinh dịch, đó được gọi là xuất tinh ra máu. Tình trạng này thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi. Vậy xuất tinh ra máu là bệnh gì? Có nguy hiểm không? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về xuất tinh máu và những nguy cơ tiềm ẩn của nó.
Xuất tinh ra máu là bệnh gì?
Xuất tinh ra máu là tình trạng tinh dịch có lẫn máu, thường có màu đỏ, hồng, nâu hoặc màu gỉ sắt. Một số trường hợp lượng máu trong tinh dịch quá ít, mắt thường không thể nhìn rõ. Các nam bệnh nhân chỉ có thể phát hiện thông qua xét nghiệm.
Xuất tinh máu có thể là dấu hiệu của tổn thương lành tính tại túi tinh hoặc ống dẫn tinh trùng. Máu chảy lẫn với tinh trùng gây nên hiện tượng này, thường không kéo dài và không kèm theo triệu chứng bất thường khác. Tuy nhiên, đôi khi xuất tinh máu có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm như ung thư tuyến tiền liệt hoặc giãn vỡ u máu niệu đạo.
Nguyên nhân dẫn đến xuất tinh ra máu
Xuất tinh máu có thể xuất phát từ nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát. Do đó, việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh là cần thiết để có phương pháp điều trị hiệu quả.
Xuất tinh ra máu nguyên phát
Xuất tinh máu nguyên phát chỉ có một triệu chứng duy nhất là sự xuất hiện của máu trong tinh dịch. Tình trạng này không nguy hiểm và không để lại di chứng. Hiện tại, vẫn chưa có nguyên nhân xác định cụ thể gây ra hiện tượng xuất tinh máu này.
Xuất tinh ra máu thứ phát
Đối với xuất tinh máu thứ phát, nguyên nhân thường liên quan đến các bệnh lý khác, cụ thể như:
- Viêm đường tiết niệu: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Khi bị viêm, niêm mạc các ống dẫn, tuyến dẫn tinh, túi tinh, tuyến tiền liệt, niệu đạo bị kích thích, sung huyết và phù nề, từ đó gây xuất tinh máu. Nhiễm khuẩn, chấn thương, sỏi túi tinh và canxi hóa tuyến tiền liệt cũng có thể gây viêm.
- Nhiễm khuẩn: Sự tấn công của vi khuẩn như Enterobacteria, Chlamydia, Gram dương, trực khuẩn lao hoặc các virus khác có thể làm tổn thương tuyến tiền liệt và hệ thống tiết niệu, gây xuất tinh máu.
- Tắc nghẽn túi tinh hoặc các nang túi tinh: Khi bị tắc nghẽn lâu ngày, túi tinh căng và giãn ra, làm đứt các mạch máu dưới niêm mạc túi, từ đó máu lẫn vào tinh dịch.
- Dấu hiệu của ung thư: Mặc dù hiếm gặp nhưng xuất tinh ra máu có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tinh hoàn, ung thư ống dẫn tinh hoặc u lympho.
- Các bệnh lý toàn thân: Bao gồm rối loạn đông máu, xơ gan và ung thư gian, tăng huyết áp, hemophilia.
- Thủ thuật xâm lấn: Một số thủ thuật xâm lấn lên đường tiết niệu như sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng, hậu phẫu thắt ống dẫn tinh, cắt tinh hoàn, đặt dụng cụ niệu đạo, xạ trị ung thư tuyến tiền liệt có thể vô tình gây máu lẫn trong tinh dịch.
Ngoài ra, nguyên nhân xuất tinh máu thứ phát cần được phân biệt với triệu chứng của giãn tĩnh mạch niệu đạo, khi người bệnh có thể tiểu ra máu sau cương dương, chảy máu niệu đạo và máu lẫn vào tinh dịch khi xuất tinh.
Triệu chứng xuất tinh ra máu ở nam giới
Người bệnh xuất tinh ra máu thường không cảm thấy đau. Tinh dịch có thể xuất hiện máu, khiến nó có màu nâu sẫm, đỏ tươi hoặc màu gỉ sắt. Ngoài ra, có thể không có triệu chứng khác nào kèm theo.
Tuy nhiên, trong trường hợp xuất tinh máu thứ phát, nam giới có thể gặp thêm các triệu chứng như đau khi xuất tinh hoặc cơn đau âm ỉ từ tinh hoàn tới vùng đáy chậu. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tuyến tiền liệt như viêm tuyến tiền liệt.
Chẩn đoán tình trạng xuất tinh ra máu
Chẩn đoán xuất tinh ra máu dựa trên các triệu chứng như tinh dịch có máu đỏ, hồng, nâu hoặc qua xét nghiệm thấy hồng cầu trong tinh dịch. Để xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- Siêu âm ổ bụng: Đánh giá tình trạng về viêm tuyến tiền liệt, gan, thận và bàng quang.
- Siêu âm tinh hoàn: Xác định tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm mào tinh hoàn, v.v.
- Siêu âm qua trực tràng: Chẩn đoán các bệnh lý khu vực túi tinh và tuyến tiền liệt như canxi hóa tuyến tiền liệt, sỏi túi tinh, giãn túi tinh, nang túi tinh hoặc nang ống phóng tinh.
- Chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung (MRI): Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có giá trị trong thăm dò túi tinh và tuyến tiền liệt, thực hiện khi nghi ngờ bệnh lý trên siêu âm qua trực tràng.
- Nội soi túi tinh: Chỉ định khi tình trạng xuất tinh máu kéo dài trên 3 tháng mà không tìm thấy nguyên nhân hoặc khi có bất thường túi tinh trên siêu âm hay MRI.
- Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá tình trạng viêm đường tiết niệu.
- Xét nghiệm tinh dịch: Xét nghiệm tinh dịch đồ, nuôi cấy vi khuẩn trong tinh dịch, tìm tế bào ác tính trong tinh dịch.
- Xét nghiệm máu: Xác định công thức máu, tốc độ máu lắng, chức năng đông máu và xét nghiệm PSA để định hướng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Không phải tất cả bệnh nhân đều cần làm hết các xét nghiệm này. Bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng bệnh, thời gian mắc bệnh, tuổi tác và các dấu hiệu kèm theo để xác định nguyên nhân và đưa ra các chỉ định cận lâm sàng phù hợp, nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị.
Xem thêm: 10 Cách chữa xuất tinh sớm tại nhà hiệu quả, nhanh chóng
Xuất tinh ra máu có nguy hiểm không? Tác hại của bệnh
Khi xuất tinh ra máu, nam giới thường sẽ cảm thấy lo lắng và hoang mang, gây tác động tiêu cực đến tâm lý. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống của họ. Các tác hại của bệnh gây ra bao gồm:
Ảnh hưởng tới đời sống tình dục
Xuất tinh máu có tác động lớn đến tâm lý và chất lượng cuộc sống tình dục của nam giới, gây không thoải mái và khó khăn trong quan hệ tình dục. Dẫn đến giảm ham muốn, mất tự tin và có thể gây tâm lý lạnh lùng và khó khăn trong giao tiếp tình cảm với đối tác.
Gây vô sinh hiếm muộn
Tình trạng xuất tinh máu kéo dài có thể dẫn đến giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Nếu không chú ý và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến vấn đề vô sinh hoặc hiếm muộn.
Tăng nguy cơ ung thư
Xuất tinh máu trong một số trường hợp có thể là dấu hiệu tiên lượng của các bệnh ung thư nghiêm trọng như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tinh hoàn, hay ung thư đường dẫn tinh. Những căn bệnh này đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của nam giới.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu nam giới bị xuất tinh ra máu và thuộc các nhóm sau đây, cần đến gặp bác sĩ ngay:
- Nam giới trên 40 tuổi.
- Máu lẫn trong tinh dịch ngày càng nhiều.
- Có các triệu chứng khác như sụt cân hoặc đau khi xuất tinh.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
- Có tiền sử chấn thương xương chậu.
- Có tiền sử bệnh ảnh hưởng đến đông máu.
- Viêm tiết niệu nam và đã từng phẫu thuật tiết niệu.
Phương pháp điều trị xuất tinh ra máu
Xuất tinh ra máu nguyên phát thường có thể tự khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, đối với xuất tinh ra máu thứ phát, việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
- Nhiễm trùng: Bác sĩ sẽ chỉ định đơn thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc chống viêm phù hợp.
- Phì đại tuyến tiền liệt: Bác sĩ sẽ kê thuốc giúp thu nhỏ tuyến tiền liệt.
- Thủ thuật y tế: Nếu là hậu phẫu thuật như thắt ống dẫn tinh, bác sĩ phẫu thuật sẽ có đề cập việc có khả năng xuất hiện tình trạng xuất tinh ra máu. Một thời gian sau sẽ hồi phục.
- Tắc nghẽn: Bác sĩ tiết niệu có thể tiến hành thủ thuật loại bỏ tắc nghẽn.
- Ung thư tuyến tiền liệt: Có thể điều trị bằng xạ trị, liệu pháp nội tiết tố,…
Biện pháp phòng ngừa tình trạng xuất tinh ra máu
Tuân thủ nguyên tắc chăm sóc sức khỏe hàng ngày dưới đây sẽ tránh nguy cơ xuất tinh máu và bảo vệ sức khỏe nam giới. Các biện pháp phòng ngừa bệnh bao gồm:
- Quan hệ tình dục an toàn, duy trì một mối quan hệ chung thủy và sử dụng các phương tiện bảo vệ khi quan hệ tình dục.
- Tránh thái quá thủ dâm hoặc quan hệ tình dục quá mạnh mẽ.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách, trước và sau quan hệ tình dục.
- Thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục đều đặn để tăng cường hệ miễn dịch.
- Chế độ ăn uống cân đối, bổ sung đầy đủ dưỡng chất và chọn lựa thực phẩm tốt cho sức khỏe.
- Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng và mệt mỏi kéo dài.
- Giảm uống rượu bia, tránh thực phẩm cay nóng và không sử dụng chất kích thích.
- Tuân thủ lịch khám sức khỏe nam khoa định kỳ.
Xuất tinh ra máu tuy được đánh giá là lành tính, nhưng không nên chủ quan. Nếu phát hiện bản thân có các triệu chứng trên, cần phải đến thăm khám bác sĩ lập tức để được can thiệp y tế kịp thời. Liên hệ Bệnh viện Đồng Nai -2 qua hotline 0933 02 9999 để đặt lịch thăm khám sớm nhất.