Tiếng Việt

TIN TỨC | HỐI HẬN MUỘN MÀNG VÌ THUỐC LÁ

Ngày 29.10.2024
By Admin

(ĐN) – Thực tế, nhiều người ban đầu “làm quen” với thuốc lá chỉ vì muốn chứng tỏ bản thân đã trưởng thành, nhưng lâu dần, họ nghiện thuốc lúc nào không hay.

Và chỉ khi phổi xơ hóa, khó thở, suy hô hấp và phải vào viện cấp cứu… họ mới “tỉnh ngộ” và ước chưa từng hút thuốc.

Thuốc lá: “Khổ” cả người hút lẫn người ngửi khói thuốc

Đây đã lần thứ 3, ông Đ.V.T., 65 tuổi, ngụ xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa nhập viện vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) vào đợt cấp, khiến ông khó thở.

Ông T. cho hay, hơn 10 năm trước, ông phát hiện bị COPD. Từ đó, ông thường xuyên trong cảnh đi bệnh viện như đi chợ.

“Khoảng 20 tuổi, tôi bắt đầu “làm bạn” với thuốc lá. Lúc đầu chỉ là muốn chứng tỏ bản thân với bạn bè là mình đã “trưởng thành”. Và rồi, tôi nghiện thuốc lá lúc nào không hay” – ông T. kể lại.

Chỉ khi phát hiện bệnh COPD, không thể thở được, ông T. mới cai được loại thuốc này sau chuỗi ngày nằm viện và sức khỏe không thể hồi phục như trước.

Ông T. bày tỏ: “Hối hận nhưng đã muộn! Tôi ước mình chưa từng hút thuốc. Giờ đây, mỗi năm, tôi vào viện vài đợt, mỗi đợt kéo dài cả nửa tháng khiến cả người thân cũng mệt mỏi theo”.

Không chỉ người hút thuốc trực tiếp mà cả những người ngửi khói thuốc cũng không thoát khỏi những đợt bệnh nặng do thuốc lá gây ra.

Vừa đưa mẹ già 77 tuổi nhập viện cấp cứu vì lên cơn khó thở, anh Hứa Khắc Tình, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa cho hay, vài năm nay, mẹ anh – bà P.T.H. liên tục đi bệnh viện cấp cứu.

“Xưa, bố tôi hút thuốc lào, thuốc lá. Có lẽ, mẹ sống cạnh bố nhiều năm nên cũng bị COPD, nhất là những năm gần đây, bà thường xuyên vào đợt bệnh nặng, khó thở phải đi cấp cứu” – anh Tình chia sẻ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.

Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.

Chứng kiến mẹ “sống mệt” vì thuốc lá, anh Tình cho rằng, không chỉ người hút mà người bị “hút thuốc lá thụ động” (ngửi khói thuốc) cũng khổ không kém vì mắc nhiều loại bệnh do thuốc lá gây ra. Do đó, những nơi công cộng như bệnh viện, trường học… cần phải cấm hút thuốc tuyệt đối.

Anh Tình nhấn mạnh: “Tôi nghĩ cần phải có chế tài xử phạt những người cố tình hút thuốc ở bệnh viện hay trường học… Còn những nơi khác, dù không cấm nghiêm ngặt nhưng người hút thuốc chỉ hút ở một khu vực nào đó, không thể tràn lan”.

Nicotine – thủ phạm khiến người dùng không thể ngừng hút thuốc

Thạc sĩ – bác sĩ Mai Thị Hà, Phó khoa Nội tổng hợp 1, Bệnh viện Đồng Nai 2 cho hay, thuốc lá có “sức mạnh” tàn phá hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư phổi, COPD, bệnh lý về mạch máu ngoại biên…

Thực tế, khoa đã tiếp nhận nhiều ca “thập tử nhất sinh” do hậu quả của thuốc lá. Trong đó, những loại bệnh do thuốc lá gây ra khá rõ ràng như COPD, nhồi máu cơ tim…

“Trong thuốc lá, chất nicotine mang đến cho người dùng cảm giác khoan khoái và thỏa mãn tạm thời trong não. Những tác động này khiến người hút bị phụ thuộc, nghiện thuốc lá và rất khó từ bỏ” – bác sĩ Hà phân tích.

heo bác sĩ Hà, thực tế khám, chữa bệnh cho thấy, chỉ khi nào bệnh nhân đối mặt với cái chết do bệnh rất nặng mới có ý chí từ bỏ thuốc dễ hơn. Còn lại, nhiều người hút thuốc từng có ý định cai thuốc nhưng khi thấy cơ thể khó chịu, không tập trung làm việc nên đành… bỏ dở giữa chừng việc cai thuốc lá, thuốc lào.

Bác sĩ Hà chia sẻ: “Chúng tôi đã tiếp nhận những bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, khó thở, suy hô hấp, nhịp tim rối loạn. Bác sĩ cố gắng cứu chữa, bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch là lại tìm đến thuốc lá, trốn đi hút thuốc”.

Khi ấy, người hút thuốc đã bị lệ thuộc vào nicotine, trở nên nghiện thuốc lá và không thể ngừng sử dụng mặc dù biết được những nguy cơ gây hại của các hóa chất và nicotine trong thuốc lá. Việc cai thuốc lá sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu và lo lắng.

Tuy nhiên, nicotine trong thuốc lá chỉ đóng vai trò là chất gây nghiện, những nguy cơ độc hại của thuốc lá thực sự bắt nguồn từ một số loại chất khác cũng có trong thuốc lá. Những người hút thuốc có tỷ lệ mắc bệnh tim, đột quỵ và ung thư cao hơn nhiều so với người không hút thuốc.

Bích Nhàn

Nguồn: Báo Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202410/hoi-han-muon-mang-vi-thuoc-la-eeb5e2e/?fbclid=IwY2xjawGNJHFleHRuA2FlbQIxMAABHXhkA3-KbxluqY0dE4zx-13g81wpGVWApPxMuCA8T8a8SpyAmQrhvllB-w_aem_gp-bxYmO5RERlZt2jzc6Gw

TIN TỨC

Tin tức Hoạt động

Ngày 12.11.2024

BỆNH SỞI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có th

Ngày 29.10.2024

ĐỐI TƯỢNG NÀO CÓ NGUY CƠ MẮC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG – PHÒNG NGỪA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung?

Ngày 29.10.2024

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG VÀ BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Tuổi trung bình phụ nữ bị ung thư

Ngày 29.10.2024

TIN TỨC | TRẺ HÓA BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN

Cả nước hiện có hơn 800 ngàn bệnh nhân bị bệnh suy thận đang phải điều trị thay thế thận. Đáng lưu ý, có nhiều bệnh nhân còn rất trẻ đã phải chạy thận hàng tuần nhằm duy trì sự sống.