PHẪU THUẬT CẮT BƯỚU TUYẾN THƯỢNG THẬN GÂY TĂNG HUYẾT ÁP Ở NGƯỜI TRẺ TUỔI
Mới đây, Bệnh viện Đồng Nai -2 đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận cho một bệnh nhân trẻ tuổi mắc bướu tuyến thượng thận gây tăng huyết áp. Đây là một trường hợp phẫu thuật khó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Bướu tuyến thượng thận gây tăng huyết áp ở người trẻ
Nữ bệnh nhân sinh năm 1990, nhập viện trong tình trạng cơn tăng huyết áp cấp tính. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tại khoa Nội đã tiến hành xét nghiệm và phát hiện bệnh nhân bị hạ kali máu – một dấu hiệu quan trọng gợi ý rối loạn nội tiết. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, trong đó có chụp CT scanner. Kết quả cho thấy bệnh nhân có khối bướu ở tuyến thượng thận phải.
Phối hợp các chuyên khoa cùng hội chẩn phẫu thuật
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ xác định bướu tuyến thượng thận là nguyên nhân gây tăng tiết andosterol, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp và giảm kali máu. Để điều trị triệt để, bệnh nhân cần được phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận phải.
Tuy nhiên, đây là một ca phẫu thuật có nhiều thách thức. Khối bướu tuyến thượng thận có thể làm huyết áp tăng đột ngột trong quá trình gây mê và phẫu thuật, nếu không kiểm soát tốt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Hơn nữa, tuyến thượng thận nằm ở vị trí đặc biệt – cực trên của thận và dưới gan, sát với tĩnh mạch chủ và nhiều mạch máu quan trọng. Điều này đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kỹ thuật cao, thao tác cẩn thận và tỉ mỉ để tránh nguy cơ chảy máu lớn. Các bác sĩ Ngoại tiết niệu cùng ê-kíp Gây mê đã tiến hành hội chẩn, xây dựng phương án tối ưu nhằm đảm bảo cuộc phẫu thuật diễn ra an toàn và thành công.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công
Sau khi thống nhất phương án, Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức tiến hành gây mê và bác sĩ CKII Phan Trọng Hùng – Trưởng phân khoa Ngoại tiết niệu đã trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt bỏ tuyến thượng thận. Dù gặp nhiều khó khăn do vị trí sâu và sát với các mạch máu lớn, các bác sĩ đã xử lý khéo léo, hạn chế tối đa nguy cơ chảy máu và tổn thương các cơ quan lân cận.
Ca mổ kéo dài khoảng 2 giờ và diễn ra thành công. Ngày sau phẫu thuật, huyết áp bệnh nhân ổn định, không còn tình trạng hạ kali máu.
Lời khuyên từ bác sĩ
Bác sĩ Hùng chia sẻ thêm : “Trường hợp này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc thăm khám sức khỏe định kỳ và theo dõi các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Tăng huyết áp ở người trẻ tuổi có thể là dấu hiệu của những bệnh lý tiềm ẩn, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm”.