Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nhiễm trùng đường tiết niệu là vấn đề phổ biến chiếm 50-60% ở phụ nữ và xếp thứ ba ở trẻ em. Tuy nam giới ít mắc hơn nhưng có nguy cơ tăng khi có vấn đề về tuyến tiền liệt. Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. May mắn thay, bệnh này có thể được chữa trị hoàn toàn. Hãy đến Phân khoa Ngoại Tiết niệu tại Bệnh viện Đồng Nai -2 để được các chuyên gia thăm khám và chỉ đạo các biện pháp điều trị hiệu quả cũng như phòng ngừa các biến chứng tiềm tàng.
Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?
Nhiễm trùng đường tiết niệu là hiện tượng nhiễm khuẩn xảy ra tại bất kỳ phần nào trong hệ tiết niệu, bao gồm niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận. Tình trạng này thường xuất hiện phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi sinh sản, với khoảng 50-60% phụ nữ mắc ít nhất một lần trong đời. Nguy cơ cao hơn ở người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và người sử dụng ống thông tiểu. Nam giới ít mắc hơn nhưng nguy cơ tăng khi gặp vấn đề về tuyến tiền liệt.
Nhiễm trùng đường tiết niệu được phân loại thành hai nhóm chính:
- Nhiễm trùng tiết niệu dưới: Bao gồm viêm niệu đạo, viêm bàng quang và viêm tuyến tiền liệt, thường biểu hiện qua tiểu buốt, tiểu rắt và cảm giác khó chịu khi đi tiểu.
- Nhiễm trùng tiết niệu trên: Bao gồm viêm thận và viêm bể thận, thường nghiêm trọng hơn, có thể gây đau lưng, sốt và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy thận.
Nhiễm trùng tiết niệu có thể gây ra cảm giác đau và không thoải mái. Hậu quả nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện nếu vi khuẩn từ nhiễm trùng lây lan lên thận.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng đường tiết niệu phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân. Một số yếu tố chính gây tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng tiết niệu bao gồm:
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới do niệu đạo ngắn và gần hậu môn.
- Quan hệ tình dục không an toàn: Đây là yếu tố nguy cơ chính ở phụ nữ trẻ.
- Sử dụng ống thông tiểu: Đặt ống thông lâu dài tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập.
- Suy giảm miễn dịch: Người mắc bệnh lý như tiểu đường, HIV hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Bất thường cấu trúc đường tiết niệu: Sỏi tiết niệu, sỏi thận, hẹp niệu đạo, và phì đại tuyến tiền liệt cũng là những yếu tố nguy cơ.
- Vệ sinh kém: Việc không vệ sinh đúng cách, nhịn tiểu hoặc không tiểu sau quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp
Triệu chứng của nhiễm trùng tiết niệu có thể biến đổi tùy theo vị trí và mức độ của nhiễm trùng trong đường tiết niệu. Nếu bạn gặp các triệu chứng sau, đến tham vấn bác sĩ chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu chung
Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu phụ thuộc vào vị trí của viêm nhiễm. Nhiễm khuẩn ở phần dưới thường ảnh hưởng đến niệu đạo và bàng quang, trong khi ở phần trên thường ảnh hưởng đến thận, có thể gây ra tình trạng nguy hiểm như urosepsis.
Dấu hiệu thường gặp bao gồm cảm giác nóng rát khi đi tiểu, tăng tần suất đi tiểu, cảm giác khẩn cấp khi đi tiểu, nước tiểu đổi màu hoặc có máu, đau vùng chậu ở phụ nữ và đau trực tràng ở nam giới. Nếu nhiễm khuẩn lan đến thận, có thể xuất hiện đau ở phần lưng trên và hai bên, cảm giác ớn lạnh, sốt, buồn nôn và nôn mửa.
Dấu hiệu viêm niệu đạo
Khi niệu đạo bị viêm, người bệnh thường trải qua các triệu chứng như khó tiểu, tiểu gấp, tần suất tiểu tăng, sốt hoặc cảm lạnh. Ở phụ nữ, xuất hiện cảm giác đau trong quan hệ tình dục và dịch âm đạo không bình thường. Ở nam giới, xuất hiện cảm giác nóng rát khi tiểu, có máu hoặc tinh dịch trong nước tiểu, đau khi xuất tinh và sưng hạch ở vùng bẹn.
Dấu hiệu viêm bàng quang
Khi bàng quang bị viêm, người bệnh thường trải qua các dấu hiệu như thường xuyên cảm thấy cần tiểu nhưng lượng tiểu ít, cảm giác nóng rát khi tiểu, nước tiểu có thể chứa máu và có mùi khó chịu, đau ở vùng chậu và có thể có sốt nhẹ.
Dấu hiệu viêm bể thận cấp tính
Khi bị viêm bể thận cấp, người bệnh thường trải qua các dấu hiệu đột ngột như sốt cao, cảm lạnh, đau đầu, mệt mỏi, tiểu buốt, tiểu rắt và có thể có mủ trong nước tiểu. Ngoài ra, họ cũng thường gặp đau ở vùng hông và có thể phát sinh cơn đau quặn ở vùng thận.
Chẩn đoán về nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Nếu bạn nhận diện các dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tiết niệu nam và nữ đến ngay Bệnh viện Đồng Nai -2 để được thăm khám chính xác và điều trị kịp thời. Các phương pháp chẩn đoán nhanh nhất bác sĩ đề xuất gồm:
Nhiễm trùng đường tiểu trên
Nếu nghi ngờ về người bệnh mắc phải nhiễm trùng tiết niệu trên, bên cạnh xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ tiến hành đo công thức máu toàn phần (CBC) và cấy máu. Cấy máu đảm bảo ngăn chặn sự lan truyền của nhiễm trùng sang hệ tuần hoàn và hỗ trợ việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Nhiễm trùng đường tiểu tái phát
Nếu nghi ngờ tái phát nhiễm trùng tiết niệu, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm như siêu âm, Pyelogram tĩnh mạch (IVP), nội soi bàng quang và chụp cắt lớp (CT) để phát hiện bất thường và vật cản trong hệ thống đường tiết niệu.
Xem thêm: Viêm đường tiết niệu có tự khỏi không? Bao lâu thì khỏi?
Biến chứng thường gặp khi nhiễm trùng đường tiết niệu
Khi nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị kịp thời hoặc chưa được điều trị đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng thường có thể xảy ra bao gồm:
- Phụ nữ có thể mắc nhiễm trùng tái phát từ 2 lần trở lên trong khoảng 6-12 tháng.
- Nhiễm trùng có thể lan sang thận, gây ra viêm thận cấp tính hoặc mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận và sức khỏe vĩnh viễn.
- Viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể dẫn đến viêm bể thận ở mẹ, sảy thai, sinh non, em bé nhẹ cân, và nhiễm khuẩn sơ sinh.
- Hẹp niệu đạo ở nam giới.
- Trường hợp nặng nhất là dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.
Phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
Phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu chủ yếu là thuốc kháng sinh. Tùy theo tình trạng viêm nhiễm, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc phù hợp.
Nhiễm trùng đơn giản
Các loại thuốc phổ biến được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu đơn giản bao gồm: Trimethoprim/Sulfamethoxazole, Fosfomycin, Nitrofurantoin, Cephalexin, và Ceftriaxone.
Triệu chứng thường giảm sau vài ngày điều trị, nhưng để đạt hiệu quả tốt, bệnh nhân phải duy trì điều trị ít nhất một tuần. Trong trường hợp nhiễm trùng không biến chứng ở người khỏe mạnh, bác sĩ có thể đề xuất chu kỳ điều trị kháng sinh ngắn hơn từ 1 đến 3 ngày. Đôi khi, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc giảm đau cho bệnh nhân để giảm bớt cảm giác không thoải mái khi đi tiểu và làm giảm đau tê bàng quang và niệu đạo.
Nhiễm trùng thường xuyên
Trong trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát thường xuyên, các chuyên gia y tế có thể đề xuất các phương pháp điều trị đặc biệt sau:
- Sử dụng kháng sinh ở liều thấp trong thời gian kéo dài, có thể lên đến 6 tháng hoặc thậm chí lâu hơn để ngăn ngừa tái phát.
- Trường hợp nhiễm trùng tiết niệu liên quan đến hoạt động tình dục, bác sĩ sẽ đề xuất sử dụng một liều kháng sinh duy nhất sau mỗi lần quan hệ tình dục để ngăn chặn vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Đối với phụ nữ mãn kinh, bác sĩ khuyến nghị sử dụng liệu pháp estrogen để tăng cường sức khỏe của niêm mạc đường tiểu và giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu tái phát.
Nhiễm trùng nặng
Trong trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch các loại kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolones như ciprofloxacin (Cipro), levofloxacin.
Cách phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu mà bạn cần biết
Ngoài việc điều trị, trong trường hợp nếu tình trạng chưa nặng, bạn có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản để giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Các cách này bao gồm:
- Uống đủ nước giúp làm loãng nước tiểu và thúc đẩy việc đi tiểu thường xuyên, loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu.
- Bổ sung các thực phẩm chống nhiễm khuẩn như nam việt quất, tỏi, sữa chua không đường, trái cây họ cam quýt, kiwi.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách, từ phía trước ra sau sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là phụ nữ, để ngăn vi khuẩn lây lan từ hậu môn sang âm đạo và niệu đạo.
- Đi tiểu và uống nước sau quan hệ tình dục.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm kích ứng như xịt khử mùi, dung dịch vệ sinh có khả năng kháng khuẩn mạnh ở vùng sinh dục.
- Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp ngừa thai không gây kích ứng.
Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý có thể điều trị và phòng ngừa nếu được phát hiện sớm. Tuân thủ vệ sinh cá nhân, uống đủ nước và kiểm tra sức khỏe định kỳ là những biện pháp quan trọng để ngăn ngừa bệnh. Hãy đến khoa Tiết niệu tại Bệnh viện Đồng Nai -2 để được kiểm tra và tầm soát nhiễm trùng tiết niệu nhằm bảo vệ sức khỏe của bạn và tránh các biến chứng nguy hiểm. Liên hệ đặt lịch khám tại Bệnh viện Đồng Nai -2 qua hotline 0933 02 9999 hoặc gửi email benhviendongnaib@benhviendongnai.com.vn.