Viêm đường tiết niệu có tự khỏi không? Bao lâu thì khỏi?
Viêm đường tiết niệu là một trong những vấn đề phổ biến và gây nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt của người bệnh. Viêm đường tiết niệu có tự khỏi không? Bao lâu thì khỏi? Đây là những câu hỏi phổ biến mà nhiều bệnh nhân thường được đặt ra và cần sự giải đáp chính xác. Tham khảo bài viết dưới đây và tham vấn bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu tại Bệnh viện Đồng Nai -2 để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Viêm đường tiết niệu – nguyên nhân do đâu?
Viêm đường tiết niệu là tình trạng do vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống đường tiết niệu, thường thông qua niệu đạo và lan đến bàng quang. Hệ thống đường tiết niệu tự nhiên có cơ chế phòng thủ chống lại vi khuẩn; tuy nhiên, đôi khi hệ thống này có thể bị xâm nhập và vi khuẩn phát triển, gây ra nhiễm trùng.
Các nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu bao gồm:
- Nhiễm trùng bàng quang: Vi khuẩn Escherichia Coli (E.Coli) thường là nguyên nhân chính.
- Quan hệ tình dục không an toàn: Một số tư thế giao hợp có thể dẫn đến viêm bàng quang. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn do cấu trúc đường tiết niệu của nữ giới thường ngắn, thẳng và gần hậu môn.
- Viêm niệu đạo: Vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae gây viêm niệu đạo. Phụ nữ dễ bị ảnh hưởng do vị trí gần hậu môn. Các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, herpes, chlamydia và mycoplasma… cũng có thể gây viêm niệu đạo.
Viêm đường tiết niệu có tự khỏi không?
Vấn đề viêm đường tiết niệu có tự khỏi không còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người.
Trong giai đoạn mãn tính, triệu chứng của viêm đường tiết niệu thường nhẹ nhàng hơn, nhưng không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến tình trạng trở nên nghiêm trọng và khó chữa. Ở giai đoạn cấp, bệnh thường đi kèm với các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, tiểu buốt, và nước tiểu có máu hoặc mủ.
Trong trường hợp bệnh nhân là thai phụ, thai nhi có thể mắc phải các tình trạng bệnh như thiếu cân, yếu đuối, hoặc các vấn đề di tật bẩm sinh. Đối với người trưởng thành, bệnh này cũng có thể gây ra vấn đề vô sinh, sinh non hoặc sẩy thai. Nếu chủ quan, bệnh tình có thể trở nên nghiêm trọng, khiến máu bị nhiễm trùng, thậm chí là tử vong.
Viêm đường tiết niệu không tự khỏi mà cần can thiệp y tế thích hợp. Do đó, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến đường tiết niệu, cần phải lập tức tìm đến sự tham vấn của các bác sĩ, chuyên gia trong ngành để có biện pháp can thiệp y tế kịp thời.
Viêm đường tiết niệu bao lâu thì khỏi?
Thời gian chữa khỏi bệnh viêm đường tiết niệu đối với mỗi bệnh nhân là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ bệnh, nguyên nhân gây bệnh… Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể sau khi thăm khám.
Trong trường hợp viêm nhẹ, người bệnh chỉ cần uống thuốc trong khoảng 5-7 ngày là có thể khỏi bệnh. Để tránh tái phát và ngăn ngừa biến chứng, bác sĩ sẽ cần quan sát thêm, việc điều trị có thể kéo dài từ 10 đến 15 ngày.
Trong trường hợp viêm nặng, thời gian điều trị sẽ lâu hơn. Bệnh nhân tuyệt đối phải tuân thủ chính xác phác đồ điều trị của bác sĩ để hạn chế nguy cơ phát sinh biến chứng.
Biến chứng viêm tiết niệu nếu không điều trị kịp thời
Viêm tiết niệu, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, làm tăng sự phức tạp và khó khăn trong quá trình điều trị.
Nhiễm trùng máu
Vi khuẩn từ viêm tiết niệu có thể xâm nhập vào huyết thanh trong các cơn viêm tái phát. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng toàn thân, xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, ớn lạnh, thị lực mờ, hoa mắt, chóng mặt, sốt cao, và nhịp tim không đều. Nếu nhiễm trùng lan sang thận, nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân sẽ tăng lên đáng kể.
Nhiễm trùng thận
Nếu vi khuẩn từ viêm đường tiết niệu lan vào thận, có thể gây viêm nhiễm và sưng to tế bào thận, ảnh hưởng đến chức năng bài tiết của cơ quan này. Sự tích tụ của độc tố và chất thải trong thận có thể dẫn đến xơ hóa và tổn thương, trong trường hợp kéo dài, có thể gây suy thận và tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Biến chứng thai kỳ
Biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu trong thai kỳ là tình trạng rất nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, tăng khả năng mắc các vấn đề như nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai, đe dọa sinh non, và dẫn đến trẻ sơ sinh có thể thiếu cân. Mẹ bầu cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt và theo dõi kỹ lưỡng từ các chuyên gia sản khoa và tiết niệu để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho cả mẹ và thai nhi.
Giảm chất lượng tình dục
Viêm tiết niệu ảnh hưởng đến tình dục bằng cách gây đau đớn và khó chịu trong quá trình quan hệ. Viêm đường tiết niệu ở nam giới thường đau khi cương, xuất tinh, thậm chí có máu trong tinh dịch. Nữ giới sẽ cảm thấy đau ở bụng dưới và âm đạo. Những triệu chứng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống tình dục của cả hai.
Ngoài ra, viêm đường tiết niệu cũng có khả năng lan sang các cơ quan khác như tinh hoàn ở nam giới và buồng trứng, tử cung ở phụ nữ, gây ra những vấn đề sức khỏe phức tạp và nghiêm trọng.
Viêm đường tiết niệu có chữa được không?
Viêm đường tiết niệu có thể được chữa khỏi nếu được can thiệp y tế kịp thời. Phương án phổ biến nhất là sử dụng thuốc kháng sinh trong 5-7 ngày theo liều lượng bác sĩ kê. Trong trường hợp nặng hơn, cần nhập viện để truyền kháng sinh tĩnh mạch. Phẫu thuật là phương án cuối khi người bệnh kháng thuốc hoặc xuất hiện biến chứng nghiêm trọng.
Nên làm gì khi được chẩn đoán mắc viêm đường tiết niệu?
Sau khi được thăm khám và chẩn đoán đã mắc viêm đường tiết niệu, song song lộ trình điều trị, bệnh nhân cần kết hợp thêm chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, cùng việc sắp xếp thời gian nghỉ ngơi. Hạn chế tiếp xúc với chất kích ứng và đừng quên tái khám định kỳ để sớm được hồi phục.
Các phương pháp điều trị viêm đường tiết niệu
Mỗi mức độ bệnh viêm đường tiết niệu sẽ có phương pháp điều trị riêng biệt.
Điều trị bằng thuốc kháng sinh
Đây là phương pháp phổ biến nhất. Thuốc kháng sinh giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và giảm các triệu chứng gây cản trở sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ và không tự ý điều chỉnh liều lượng thuốc.
- Viêm nhẹ lần đầu: Sử dụng kháng sinh thông thường trong khoảng một tuần và tái khám sau khi hoàn thành. Đồng thời, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và kiêng cữ sinh hoạt tình dục trước khi khỏi hoàn toàn.
- Bệnh viêm tái phát: Bác sĩ có thể kê kháng sinh với liều cao hơn và thời gian dùng thuốc dài hơn (tối thiểu 6 tháng).
- Viêm nặng và không phản ứng với thuốc: Bệnh nhân cần nhập viện để truyền kháng sinh. Nếu cải thiện, có thể xuất viện và tiếp tục sử dụng thuốc bảo tồn.
Theo dõi tác dụng phụ của kháng sinh và thông báo cho bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường. Kết hợp nghỉ ngơi và dinh dưỡng cân đối để hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe.
Nuôi cấy vi khuẩn
Đây là phương pháp để xác định chính xác loại vi khuẩn gây bệnh và độ nhạy cảm của chúng với các loại kháng sinh. Kết quả từ vi khuẩn cấy ghép giúp bác sĩ chọn lựa loại kháng sinh phù hợp nhất. Phương pháp này chỉ áp dụng cho trường hợp viêm nhiễm tiết niệu tái phát, đặc biệt khi có dị dạng đường tiết niệu hoặc bệnh nhân đã đặt ống tiểu.
Phẫu thuật
Trường hợp bệnh nhân có phản ứng kháng thuốc, vùng viêm nhiễm không thể kiểm soát bằng thuốc hoặc xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng tại thận như gây mủ và áp-xe, bác sĩ khuyến nghị tiến hành phẫu thuật. Đây là điều cần thiết để ngăn ngừa tái phát viêm nhiễm tiết niệu và tránh những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra nếu không được can thiệp kịp thời.
Những phương pháp hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu
Người bệnh nên tuân thủ các biện pháp sau để hỗ trợ quá trình điều trị và phòng tránh bệnh tái phát:
- Uống đủ nước: Hãy uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày để pha loãng nước tiểu và giúp đào thải vi khuẩn khỏi cơ thể.
- Bổ sung thực phẩm giàu lợi khuẩn: Sử dụng các sản phẩm như phô mai, sữa chua để hỗ trợ hệ vi sinh đường tiết niệu.
- Ăn rau xanh và hoa quả: Ưu tiên tăng cường tiêu thụ rau cải và trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, bưởi, chanh để giúp cơ thể chống vi khuẩn gây viêm.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách: Luôn lau chùi từ phía trước ra phía sau sau mỗi lần đi vệ sinh để ngăn vi khuẩn di chuyển từ hậu môn vào âm đạo.
- Không nhịn tiểu: Đi tiểu ngay khi cảm thấy cần, và nên đi tiểu và vệ sinh vùng kín sau quan hệ tình dục.
- Quan hệ tình dục an toàn: Tránh các tư thế giao hợp qua hậu môn, sử dụng bao cao su chất lượng và tuân thủ nguyên tắc quan hệ tình dục an toàn.
Xem thêm về bài viết: Bệnh nam khoa – Bệnh thầm kín
Các cách phòng ngừa viêm nhiễm đường tiết niệu
Để ngăn ngừa viêm nhiễm đường tiết niệu tái phát và giữ cho hệ thống tiểu tiết khỏe mạnh, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp phòng ngừa sau:
- Vệ sinh vùng kín: Không thụt rửa, dùng sữa tắm để vệ sinh vùng sinh dục. Lau khô từ trước ra sau sau khi tắm và đi vệ sinh.
- Tắm vòi sen thay vì tắm bồn: Để tránh vi khuẩn từ nước bồn tắm, bạn nên sử dụng vòi sen để tắm.
- Thay đổi thói quen đi tiểu: Không được nhịn khi buồn tiểu, cần đi tiểu ngay, và vệ sinh vùng kín sau khi tiểu. Uống đủ nước giúp lọc vi khuẩn khỏi đường niệu. Hạn chế thực phẩm kích thích như rượu, caffeine, thức ăn cay.
- Vệ sinh vùng kín sau quan hệ: Đi tiểu trước và sau quan hệ tình dục để loại bỏ vi khuẩn. Rửa sạch vùng kín bằng nước ấm trước quan hệ, nhưng tránh thụt rửa để không tổn thương vùng niệu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Chọn quần áo thoải mái: Hạn chế mặc quần áo bó sát, ưu tiên quần rộng và đồ lót từ chất liệu hút ẩm tự nhiên như cotton.
Trên đây là những thông tin tổng quan giải đáp cho câu hỏi viêm đường tiết niệu có tự khỏi không và bao lâu thì khỏi. Chủ động khám sức khỏe định kỳ để có biện pháp điều trị kịp thời. Đồng thời, quý khách có thể liên hệ Bệnh viện Đồng Nai -2 để được tư vấn và thăm khám kịp thời.