TIN TỨC | TRẺ HÓA BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN
Cả nước hiện có hơn 800 ngàn bệnh nhân bị bệnh suy thận đang phải điều trị thay thế thận. Đáng lưu ý, có nhiều bệnh nhân còn rất trẻ đã phải chạy thận hàng tuần nhằm duy trì sự sống.
Các chuyên gia cảnh báo, chính lối sống hiện đại và thói quen ăn uống thiếu khoa học của nhiều người trẻ khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng
Năm nay 40 tuổi nhưng chị N.T.H., ngụ huyện Vĩnh Cửu đã có “thâm niên” 8 năm chạy thận tại Bệnh viện Đồng Nai – 2. Bệnh thận giai đoạn cuối khiến cơ thể chị H. ngày càng suy kiệt, da đen sẫm, mặt lúc nào cũng tái, bụng trương to.
Chị H., cho biết, từ ngày phát hiện bệnh thận đến nay, chị không làm được việc gì. Cả gia đình sống dựa vào những đồng tiền công ít ỏi làm thợ hồ của chồng. Đã “nghèo còn gặp cái eo”, thời gian qua, chị H. còn bị tai nạn xe máy 2 lần dẫn đến vỡ lách, gãy cổ xương đùi. Mỗi tuần, chồng chị H. phải chở chị đến bệnh viện 3 ngày để chạy thận, mỗi lần chạy thận từ 3,5-4 tiếng. Gia đình vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn gấp bội.
Khi đã bước vào suy thận giai đoạn cuối, người bệnh buộc phải lọc máu định kỳ suốt đời, sức khỏe giảm sút, mất khả năng lao động. Phương pháp điều trị dứt điểm bệnh suy thận mạn là ghép thận, song hiện nay, nguồn tạng rất khan hiếm và chi phí ghép tạng rất cao. |
Bệnh nhân trẻ tuổi nhất đang chạy thận tại Bệnh viện Đồng Nai – 2 là T.H.P., 19 tuổi, ngụ thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. H. cho biết, trong gia đình có dì ruột, bà ngoại cũng bị bệnh suy thận từ khi còn rất trẻ. H. và dì đang chạy thận tại Bệnh viện Đồng Nai – 2. Do bị bệnh nặng và phải đi bệnh viện thường xuyên nên H. phải bỏ học giữa chừng, chỉ ở nhà phụ mẹ bán tạp hóa những ngày không chạy thận.
ThS-BS Đoàn Thị Hòa, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đồng Nai – 2, cho biết hầu hết bệnh nhân bị suy thận mạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn do người bệnh không đủ sức khỏe để lao động. Bệnh nhân bị suy thận ngày càng trẻ hóa. Đáng lưu ý, mặc dù đã được các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học nhưng nhiều bệnh nhân vẫn không thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt như: ăn nhiều đồ ngọt, uống nước ngọt, ăn nhiều thức ăn nhanh… dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng.
Cần thay đổi lối sống, sinh hoạt, ăn uống
Bác sĩ chuyên khoa II Thái Phạm Thị Hòa, Trưởng khoa Nội thận – tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết bệnh viện đang quản lý và điều trị cho khoảng 1 ngàn bệnh nhân bị suy thận chưa phải lọc máu, gần 530 bệnh nhân suy thận nặng đang chạy thận nhân tạo, 80 bệnh nhân suy thận phải lọc màng bụng. Ngoài ra, còn có khoảng 20 bệnh nhân đã thực hiện kỹ thuật ghép thận khác. Dự báo số lượng người mắc suy thận mạn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo bác sĩ Thái Hòa, suy thận có hai nhóm chính là suy thận bẩm sinh và suy thận do mắc phải.
Trước đây, suy thận do mắc phải thường do nhiễm khuẩn như viêm thận do liên cầu. Hiện nay, với sự phát triển của kháng sinh, nguyên nhân suy thận do viêm đã giảm đi. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác cực kỳ nguy hiểm gây suy thận, đó là thực phẩm.
Con người sử dụng rất nhiều loại hóa chất độc hại để bảo quản, chế biến thực phẩm. Những chất này khi đưa vào cơ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gan, thận, sau đó ảnh hưởng đến những cơ quan khác.
Lý giải vì sao bệnh suy thận đang gia tăng ở người trẻ, bác sĩ Hoà cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người trẻ có lối sống lười vận động, chế độ ăn uống không khoa học, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, thừa năng lượng, lạm dụng rượu bia. Từ đó dẫn đến mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường và hư thận.
Bên cạnh đó, việc tự ý dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng không theo chỉ định của bác sĩ cũng tác động xấu đến thận. Đặc biệt, nhiều người trẻ vì thấy mình khỏe mạnh nên rất chủ quan, không đi khám sức khỏe định kỳ. Bệnh suy thận thường diễn tiến âm thầm, ít có biểu hiện, đến khi trong người cảm thấy mệt mỏi, nhiều người trẻ đi khám thì được chẩn đoán đã mắc suy thận giai đoạn cuối.
Ngoài ra, còn có bệnh lý đường tiết niệu dẫn tới suy thận như: nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu, một số bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận.
Các bác sĩ cảnh báo, bệnh suy thận có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Để hạn chế nguy cơ suy thận mạn tính, mỗi người cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe, sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Đặc biệt, cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời, tránh để các bệnh lý về thận diễn biến nặng dẫn tới suy thận mạn tính.
Những dấu hiệu bất thường về sức khỏe mà người dân cần đi khám như: phù tay, chân, mặt, đau đầu, tăng huyết áp, tiểu đêm nhiều lần. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như nước tiểu đục, sủi bọt, nước tiểu ngả màu khác thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám.
Nếu trong gia đình có người bị suy thận, các thành viên cùng huyết thống nên tầm soát chức năng thận, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để đánh giá và nhận biết sớm các vấn đề bệnh lý.