PHẪU THUẬT NỘI SOI ĐIỀU TRỊ LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG
Lạc nội mạc tử cung là gì?
Đây là một bệnh lý phụ khoa xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển ở những vị trí bất thường bên ngoài lòng tử cung như ở cơ tử cung, vòi trứng, buồng trứng, phúc mạc chậu, bàng quang, trực tràng, niệu quản …
Nội mạc tử cung bình thường là lớp tế bào lót trong lòng tử cung. Chúng chịu sự chi phối của nội tiết tố nữ là Estrogen và Progesterone. Dưới sự tác động của các nội tiết này, sẽ xảy ra hiện tượng tăng sinh và bong tróc những tế bào nội mạc tử cung và gây ra hành kinh mỗi tháng ở người phụ nữ.
Những mô nội mạc tử cung lạc chỗ cũng chịu sự chi phối của nội tiết tố nữ tương tự như nội mạc tử cung ở vị trí bình thường. Hiện tượng này gây nên các tổn thương viêm, xơ hóa, tạo sẹo hoặc tích tụ dịch tạo thành các u nang.

Triệu chứng của bệnh lý lạc nội mạc tử cung:
Đôi khi lạc nội mạc tử cung (LNMTC) tiến triển âm thầm không có triệu chứng cho đến khi nó ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan vùng chậu như cơ quan sinh dục, ruột hay bàng quang. Các triệu chứng có thể gặp ở phụ nữ có lạc nội mạc tử cung bao gồm:
- Đau bụng hoặc đau lưng theo chu kỳ kinh.
- Đau khi đi tiêu hoặc tiểu hoặc khi quan hệ tình dục.
- Đau vùng chậu mạn tính.
- Ra máu kinh nhiều hoặc hành kinh bất thường.
- Có máu lẫn trong phân hoặc nước tiểu, đặc biệt là trong chu kỳ kinh.
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
- Hiếm muộn hoặc khó thụ thai.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung khác nhau, điều trị nội khoa bằng thuốc giảm đau, liệu pháp hormone và phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, tình trạng mang thai mà mỗi người sẽ có lựa chọn điều trị phù hợp. Mục tiêu chung của việc điều trị lạc nội mạc tử cung là giúp người bệnh giảm đau , kiểm soát sự phát triển của bệnh và cải thiện khả năng sinh sản.
Vai trò của nội soi ổ bụng trong bệnh lý LNMTC và dính vùng chậu
Tần suất của LNMTC ở vùng chậu khá cao ở phụ nữ vô sinh (20–68%) khi so sánh với cộng đồng chung (Houston, 1987; Mamood, 1991; Templeton, 1996). Các báo cáo về khả năng thụ thai của LNMTC không thống nhất. Một phân tích gộp (Barnhart, 2002) cho thấy tỉ lệ có thai thấp đáng kể ở những BN bị LNMTC chưa được điều trị (OR: 0.56; 95% CI: 0.44–0.70) khi so sánh với BN vô sinh do VT. Trái lại, dữ liệu của hiệp hội kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (SART, 2008) cho thấy tỉ lệ sinh sống của những chu kỳ sử dụng tinh trùng tươi ở BN bị LNMTC (43.5%) hơi cao hơn so với BN bị vô sinh do VT (40.5%) (SART clinical summary report 2008). Mặc dù, dữ liệu này cho thấy tỉ lệ thành công cao của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, nhưng lại không cho biết BN có được nội soi ổ bụng điều trị LNMTC trước khi thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hay không (Fouany, 2010).
Nội soi phẫu thuật lấy bỏ những tổn thương LNMTC kèm với tách dính đã được chứng minh là lợi ích ở phụ nữ vô sinh so với nội soi chẩn đoán đơn thuần (Jacobson, 2004). Cũng tác giả này (Jacobson, 2010), mới đây thực hiện một tổng quan trong Cochrane, kết luận rằng sử dụng phẫu thuật nội soi ổ bụng điều trị hiếm muộn liên quan tới LNMTC tối thiểu và nhẹ có thể cải thiện khả năng sinh sản. Tuy nhiên, chưa có thực nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng hoặc phân tích gộp nào đánh giá hiệu quả của nội soi ổ bụng điều trị LNMTC trung bình và nặng, mặc dù nói chung chấp nhận là bệnh lý này nên được điều trị bằng phẫu thuật (Kennedy, 2005). Có sự tương phản về mức độ của LNMTC và tỉ lệ có thai tự nhiên sau điều trị phẫu thuật, LNMTC càng nặng thì khả năng có thai càng thấp (Bosteels, 2007).
Hiện tại vẫn thiếu những thực nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng so sánh hiệu quả giữa các biện pháp điều trị LNMTC ở phụ nữ vô sinh để có thể đưa ra những khuyến cáo mạnh. Mặc dù, LNMTC ở vùng chậu có thể không ảnh hưởng đến cơ hội có thai của IVF, nhiều phụ nữ vẫn không muốn thực hiện IVF do không có kinh phí hoặc lo ngại những tác dụng phụ như hội chứng quá kích buồng trứng và đa thai. Chọn lựa nội soi ổ bụng nên được thảo luận với BN bị LNMTC có các kết quả khảo sát chức năng sinh sản bình thường, dự trữ buồng trứng bình thường và tuổi còn trẻ (<37), trước khi tiến hành IUI hoặc IVF (Fouany, 2010).
Về mặt phẫu thuật cần lưu ý, không giống như khi thực hiện điều trị đau vùng chậu, nội soi bóc khối u lạc nội mạc tử cung (ULNMTC) và tổn thương LNMTC ở phụ nữ trẻ tuổi mong muốn có thai là một kỹ thuật rất tinh tế và cần chuyên gia phẫu thuật nhiều kinh nghiệm. Phẫu thuật viên nên thực hiện lấy tổn thương ở tất cả các vị trí (phúc mạc đáy bàng quang, phúc mạc phủ trên niệu quản và dây chằng đài bể thận, vùng chậu và thành bụng trước, thanh mạc ruột), đồng thời phải tránh gây tổn thương cho những cơ quan lân cận. Để tránh tổn thương mô buồng trứng, phẫu tích phải nhẹ nhàng giữa thành của ULNMTC và vỏ buồng trứng và toàn bộ khối ULNMTC nên được lấy hết để ngăn ngừa tái phát.













