MẸ BẦU LỚN TUỔI – SINH CON TRÊN VẾT MỔ CŨ CẦN LƯU Ý GÌ ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO MẸ VÀ BÉ?
Mang thai ở độ tuổi ngoài 40 – thậm chí là trên 45 tuổi – không còn là điều quá hiếm gặp. Tuy nhiên, với những mẹ bầu lớn tuổi, đặc biệt là đã từng sinh mổ trước đó, thai kỳ luôn tiềm ẩn những nguy cơ nhất định và cần được theo dõi sát sao từ các chuyên gia sản khoa. Đặc biệt, nếu mẹ đang trong giai đoạn cuối thai kỳ và có dấu hiệu chuyển dạ, việc chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động cho cuộc sinh là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

- Những yếu tố mẹ cần lưu tâm:
Tuổi mẹ cao (≥ 35 tuổi, đặc biệt là trên 40 tuổi):
– Có thể khiến quá trình chuyển dạ và hậu sản diễn ra khó khăn hơn.
– Nguy cơ gặp biến chứng như đờ tử cung, tăng huyết áp thai kỳ, các vấn đề tim mạch – hô hấp… cao hơn so với các mẹ trẻ tuổi.
Vết mổ tử cung cũ:
– Nếu chuyển dạ tự nhiên, nguy cơ vỡ tử cung sẽ tăng – đây là tình huống khẩn cấp, đe dọa tính mạng mẹ và bé nếu không được xử trí kịp thời.
Thai đủ tháng (37 tuần trở đi) nhưng vẫn có thể chưa thực sự trưởng thành:
– Bé sinh ở giai đoạn này có thể gặp phải các vấn đề như suy hô hấp, hít phân su, vàng da nặng, hạ thân nhiệt…
- Vậy mẹ nên chọn lựa chọn sinh mổ hay sinh thường?
Đối với các mẹ bầu lớn tuổi có vết mổ cũ, sinh mổ chủ động thường là lựa chọn được ưu tiên vì đảm bảo tính an toàn cao hơn. Đặc biệt, khi đi kèm với các yếu tố như:
– Thai to,
– Ngôi thai bất thường,
– Dấu hiệu suy thai,
– Hoặc lý do mổ cũ vẫn còn tồn tại (như khung chậu hẹp…).
Tuy nhiên, nếu mẹ có nguyện vọng sinh thường và sau khi đã được bác sĩ đánh giá kỹ lưỡng, loại trừ các chống chỉ định, thì vẫn có thể được theo dõi sinh ngã âm đạo. Tuy nhiên, việc theo dõi phải hết sức chặt chẽ:
– Liên tục monitoring tim thai,
– Luôn có ekip mổ dự phòng túc trực,
– Chuyển mổ khẩn ngay khi phát hiện bất thường.
- Lời khuyên dành cho mẹ:
– Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng quá mức vì stress ảnh hưởng đến chuyển dạ và sức khỏe em bé.
– Nên có người thân bên cạnh trong quá trình sinh để động viên và hỗ trợ.
– Chuẩn bị trước các vật dụng cần thiết cho mẹ và bé, cả trong trường hợp sinh thường hay sinh mổ.
– Hiểu rằng với tuổi mẹ cao, quá trình hồi phục sau sinh – đặc biệt là sau sinh mổ – sẽ cần thêm thời gian, vì vậy mẹ nên sẵn sàng tinh thần để chăm sóc bản thân và em bé thật tốt.
- Thông điệp từ bác sĩ:
“Dù mẹ sinh thường hay sinh mổ, điều quan trọng nhất vẫn là sự an toàn cho cả mẹ và bé. Với những trường hợp đặc biệt như mẹ lớn tuổi, có vết mổ cũ và đang chuyển dạ, sự theo dõi sát sao và can thiệp kịp thời chính là yếu tố quyết định giúp mẹ vượt cạn an toàn và thành công.”
Ngoài các rủi ro khi sinh, thai kỳ ở mẹ trên 45 tuổi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, như:
– Tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh,
– Thai phát triển chậm trong tử cung,
– Nhau bong non, tiền sản giật,
– Đái tháo đường thai kỳ,
– Và nguy cơ thai lưu.
Nếu mẹ đang mang thai trong độ tuổi lớn và từng sinh mổ, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được theo dõi sát sao và tư vấn phương án sinh phù hợp nhất.
Đừng ngần ngại chia sẻ mong muốn của mình với các bác sĩ Khoa Phụ Sản – Bệnh viện Đồng Nai -2. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và hạnh phúc của mẹ và bé lên hàng đầu.