LIỆU RẰNG MẮC BỆNH THẬN LÀ PHẢI CHẠY THẬN NGAY?
Thận là cơ quan đảm nhận chức năng lọc máu, đào thải độc tố, điều hòa huyết áp và cân bằng nội môi cho cơ thể. Khi thận bị tổn thương lâu ngày và mất dần khả năng hoạt động, tình trạng này được gọi là bệnh thận mạn.

- Bệnh thận được chia thành 2 dạng chính:
Tổn thương thận cấp:
– Xảy ra đột ngột, thường trong vài giờ đến vài ngày.
– Nguyên nhân có thể do mất máu cấp, nhiễm trùng nặng, tắc nghẽn đường tiết niệu, ngộ độc thuốc…
– Nếu được điều trị kịp thời, thận có thể phục hồi hoàn toàn.
Bệnh thận mạn:
– Là tình trạng suy giảm chức năng thận kéo dài, tiến triển theo thời gian (từ 3 tháng trở lên)
– Có nguy cơ tiến đến giai đoạn cuối cần điều trị thay thế thận ( lọc máu chu kỳ hay còn gọi la chạy thận,lọc màng bụng hoặc ghép thận).
- Các giai đoạn của bệnh thận mạn
Bệnh thận mạn được chia làm 5 giai đoạn, dựa trên chỉ số mức lọc cầu thận (GFR):
Giai đoạn | Chỉ số GFR (ml/phút/1.73m²) | Diễn giải |
GĐ 1 | ≥ 90 | Tổn thương thận kèm mức lọc cầu thận bình thường hoặc tăng (protein niệu, hồng cầu niệu, sỏi thận…) |
GĐ 2 | 60–89 | Tổn thương thận kèm giảm nhẹ mức lọc cầu thận. |
GĐ 3A | 45–59 | Mức lọc cầu thận giảm nhẹ đến vừa |
GĐ 3B | 30–44 | Mức lọc cầu thận giảm vừa đến nặng |
GĐ 4 | 15–29 | Mức lọc cầu thận giảm nặng |
GĐ 5 | < 15 | Suy thận giai đoạn cuối |
- Liệu rằng mắc bệnh thận là phải chạy thận ngay?
Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương thận, bao gồm:
Với tổn thương thận cấp:
– Điều trị nguyên nhân gây tổn thương thận (hạ huyết áp, nhiễm trùng, thuốc gây độc thận…)
– Theo dõi sát nước tiểu, huyết áp, điện giải.
– Hồi phục tốt nếu xử lý sớm.
Với bệnh thận mạn:
Giai đoạn 1–3:
– Điều trị nguyên nhân (viêm cầu thận, tiểu đường, cao huyết áp…)
– Giảm cân nếu có tình trạng thừa cân, béo phì
– Tránh dùng các thuốc gây độc cho thận: một số loại thuốc giảm đau, các loại lá cây, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc….
– Chủng ngừa đầy đủ : cúm, phế cầu, sốt xuất huyết, viêm gan B….
– Theo dõi định kỳ chức năng thận ít nhất 6 tháng một lần
Giai đoạn 4:
– Tiếp tục điều trị nguyên nhân và các biện pháp như những giai đoạn từ 1-3
– Điều trị các biến chứng nếu có: thiếu máu, tăng huyết áp, cân bằng nước, điện giải…
– Chuẩn bị cho các biện pháp điều trị thay thế thận
– Theo dõi sát chức năng thận ít nhất 3 tháng một lần
Giai đoạn 5 (suy thận giai đoạn cuối):
– Lọc máu (chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng)
– Ghép thận nếu có điều kiện.
- Vậy người bệnh cần lưu ý gì?
– Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu có các yếu tố nguy cơ bị tổn thương thận như tuổi cao ( trên 60) , đái tháo đường, tăng huyết áp, tiền sử gia đình có bệnh thận mạn hoặc bệnh thận di truyền, tiền sử có tổn thương thận cấp, bép phì, sỏi thận, thường xuyên dùng thuốc giảm đau giảm viêm, nhiễm viêm gan B, C mạn….
– Không tự ý dùng thuốc không kê đơn, đặc biệt là thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc lá cây không rõ nguồn gốc. Nên đi khám bác sĩ khi có triệu chứng bất thường và hỏi ý kién bác sĩ khi dùng thuốc.
– Duy trì chế độ ăn lành mạnh, cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng, giảm muối , đường và uống đủ nước. Tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
– Kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết và xét nghiệm định kỳ để theo dõi chức năng thận.
Bệnh thận hiện nay không chỉ là bệnh của người lớn tuổi. Người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh này nếu có yếu tố nguy cơ nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt bệnh diễn biến càng nhanh nếu chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh, ăn uống nhiều muối, ít vận động, dùng thuốc bừa bãi.
Đặc biệt, không phải khi được chẩn đoán mắc bệnh thận là phải chạy thận vậy nên việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm – điều trị đúng cách – thay đổi lối sống chính là chìa khóa để bảo vệ “nhà máy lọc” thầm lặng này.