KHÔNG CHỦ QUAN VỚI BƯỚU TUYẾN THƯỢNG THẬN
Theo các bác sĩ, tuyến thượng thận là tuyến nội tiết quan trọng, có vai trò trong chuyển hóa điều hòa huyết áp, cân bằng điện giải đường huyết. Do đó, khi phát hiện bướu tuyến thượng thận, người bệnh cần điều trị kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Ca phẫu thuật khó
Bệnh viện Đồng Nai-2 vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nữ bị bướu tuyến thượng thận phải. Đây là trường hợp hiếm gặp, vì bệnh nhân mới 29 tuổi, bướu tuyến thượng thận khiến bệnh nhân bị tăng huyết áp (THA), dẫn đến việc gây mê trong quá trình phẫu thuật khó khăn.
Bệnh nhân là V. T. N. Q. N. (29 tuổi, ngụ tại P. Trảng Dài, TP. Biên Hòa) phát hiện bị THA cách đây 3 tháng và có uống thuốc thường xuyên, cách đây 1 tuần do bị THA khiến bệnh nhân đau đầu dữ dội, nên mới đến Bệnh viện Đồng Nai-2 thăm khám. Kết quả, bệnh nhân bị bướu tuyến thượng thận phải, sau đó các bác sĩ đã tư vấn để phẫu thuật cho bệnh nhân.
BS.CKII Phan Trọng Hùng – Trưởng khoa Phân khoa ngoại tiết niệu – Nam khoa của Bệnh viện, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, do bệnh nhân bị bướu tuyến thượng thận, nên làm tăng tiết các hormone, dẫn đến huyết áp bệnh nhân tăng cao. Do bướu thượng thận nằm sau phúc mạc dưới cơ hoành và bị dính sát mạch máu nên chúng tôi quyết định mổ hở.
“Cái khó trong cuộc phẫu thuật này là bệnh nhân bị THA, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh và để cuộc phẫu thuật thành công, phải có sự phối hợp các bác sĩ khoa ngoại tiết niệu, các bác sĩ gây mê có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, các thao tác phải chuẩn xác, thuần thục, kiểm soát tốt huyết áp cho bệnh nhân” – BS Hùng nói.
BS.CKII Phan Trọng Hùng thăm hỏi bệnh nhân trước khi xuất viện.
Trong 4 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã cắt bỏ hoàn toàn bướu tuyến thượng thận bên phải cho bệnh nhân. Sau 5 ngày phẫu thuật, huyết áp bệnh nhân ổn định, ăn uống đi lại bình thường và được xuất viện.
Chia sẻ thêm về khó khăn của ca phẫu thuật này, BS.CKI Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đồng Nai -2 cho hay, tuyến thượng thận là tuyến nội tiết quan trọng, có vai trò trong chuyển hóa điều hòa huyết áp, cân bằng điện giải đường huyết. Đây là cuộc phẫu thuật đặc biệt và khó khăn trong phẫu thuật gây mê hồi sức, vì có thể ảnh hưởng chức năng sống của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, do khó kiểm soát được quá trình bài tiết các hormone trong quá trình phẫu thuật. Tùy thuộc vào vị trí của khối u thuộc lớp vỏ, hay tuỷ, khi tăng tiết quá mức sẽ gây ra tình trạng tăng nhịp tim, tăng co bóp cơ tim, tăng nhịp thở, giãn thế quản THA… Có nguy cơ đau, nhiễm trùng sau mổ, THA, rối loạn điện giải, nội tiết.
“Do đó, phải có sự chuẩn bị và kết hợp giữa khoa Ngoại niệu và Nội tiết, điều trị nội khoa trước mổ, dự trù các tình huống có thể xảy ra. Chuẩn bị bệnh nhân như 1 ca phẫu thuật khó, bao gồm: công tác gây mê, đặt nội khí quản, theo dõi huyết áp, động mạch xâm lấn, theo dõi sát diễn biến phẫu thuật, xử lý những tình huống xảy ra” – BS Tuấn nói.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn
Theo BS Hùng, bướu tuyến thượng thận hiện tại chưa có nguyên nhân và cũng như cách phòng ngừa. Bệnh nhân thường chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ. Do đó, những người thường tăng tiết các hormone, chủ yếu từ 20-50 tuổi và khi có các triệu chứng THA, tăng tiết hormone nên đi khám các chuyên khoa để tầm soát, chẩn đoán đúng bệnh, điều trị kịp thời. Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, để phát hiện sớm bệnh. Vì nếu không phát hiện và kiểm soát bướu tuyến thượng thận, người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng ảnh hưởng sức khoẻ.
Đối với bướu tuyến thượng thận, việc chăm sóc sau mổ rất quan trọng. Theo BS Nguyễn Văn Tuấn, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và theo dõi tại phòng hồi sức theo chỉ định bác sĩ, để kịp thời can thiệp nếu xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Chăm sóc vết mổ theo hướng dẫn của bác sĩ, giữ vết mổ sạch sẽ, khô ráo, và tránh nhiễm trùng. Không khiêng vác các vật nặng để vết mổ mau lành. Có chế độ ăn uống hợp lý, sử dụng các loại thực phẩm giúp ổn định đường huyết. Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều muối, đồ chiên rán, nước uống có gas, và các chất kích thích. Điều quan trọng, tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.