DẤU HIỆU NHẬN BIẾT HÔN MÊ – NGUYÊN NHÂN & CÁCH XỬ TRÍ
Hôn mê là tình trạng bất tỉnh kéo dài. Một người khi rơi vào trạng thái hôn mê sẽ không có bất kỳ phản ứng nào với những kích thích từ bên ngoài. Bệnh nhân nằm bất động dù có bị tác động, la hét vào tai. Nói cách khác, khi hôn mê, bệnh nhân sẽ mất khả năng thức tỉnh.
Hôn mê có thể diễn biến ở nhiều mức độ và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Song, dù với bất kỳ nguyên nhân nào, hôn mê vẫn luôn được xem là một tình trạng cấp cứu, cần được thực hiện khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và chức năng não của bệnh nhân. Bởi trên thực tế, có không ít trường hợp bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê và không được cứu chữa kịp thời.
I. DẤU HIỆU NHÂN BIẾT NGƯỜI BỊ HÔN MÊ CẦN CẤP CỨU NGAY
Tùy vào nguyên nhân khởi phát, hôn mê có thể xảy ra đột ngột hoặc sau một thời gian tổn thương. Một số dấu hiệu sau có thể giúp nhận biết người hôn mê cần cấp cứu ngay:
- Cơ thể giống đang ngủ nhưng không phản ứng với các kích thích bên ngoài. Tay chân không cử động.
- Thở không đều, có thể đi kèm với tăng huyết áp, nhịp tim chậm (phản xạ Cushing).
- Một số bất thường ở mắt: đồng tử (tròng đen) có thể giãn to, co nhỏ hoặc kích thước hai bên không đều.
- Những biểu hiện khác: co giật, buồn nôn, phản ứng màng não, đau đầu vùng chẩm,…
- NGUYÊN NHÂN GÂY HÔN MÊ
- Hôn mê có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, đa số các trường hợp hôn mê do chấn thương não. Hiện có hơn 50% trường hợp hôn mê xuất phát từ chấn thương vùng đầu hoặc rối loạn hệ thống tuần hoàn não.
- Một số nguyên nhân sau đây cũng có thể dẫn đến hôn mê:
- Chấn thương sọ não: thường gặp do va chạm giao thông hoặc những hành vi bạo lực.
- Đột quỵ: lượng máu giảm hoặc ngừng cung cấp cho não, có thể do tắc nghẽn động mạch hoặc vỡ mạch máu.
- Khối u: các khối u có trong não hoặc thân não.
- Bệnh tiểu đường: lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp có thể làm xuất hiện tình trạng hôn mê. Người bệnh thường hồi phục sau khi lượng đường trong máu đã được điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu hạ đường huyết kéo dài có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn và hôn mê kéo dài.
- Thiếu oxy: thường thấy ở những người được cứu khỏi đuối nước hoặc sau cơn đau tim.
- Co giật: một cơn co giật hiếm khi gây hôn mê. Nhưng những cơn co giật liên tục (gọi là trạng thái động kinh) có thể gây bất tỉnh và hôn mê kéo dài.
- Độc tố: tiếp xúc với các chất độc carbon dioxide (khói từ than đốt sưởi ấm), chì,…
- Các chất kích thích: dùng quá liều ma túy hoặc rượu có thể gây hôn mê.
- Nhiễm trùng: viêm nặng một phần của hệ thần kinh trung ương hoặc các mô xung quanh não cũng có thể dẫn đến hôn mê.
2. XỬ TRÍ CẤP CỨU HÔN MÊ TRONG TỪNG TRƯỜNG HỢP
Người bệnh còn thở
- Người bệnh còn thở nhưng có biểu hiện choáng váng, hãy hỏi một số câu như tên, ngày sinh, nơi ở để kiểm tra trạng thái tinh thần và ý thức của họ. Nếu người bệnh trả lời sai hoặc nói lắp, không rõ chữ, cần đưa đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa.
- Với bệnh nhân chấn thương cột sống, hãy để như hiện trạng ban đầu, đồng thời thực hiện các bước cố định cổ. Trường hợp không chấn thương, hãy lăn người bệnh nằm nghiêng, điều chỉnh chân sao cho hông và đầu gối tạo thành góc vuông. Đồng thời, nghiêng nhẹ đầu bệnh nhân ra sau để đường thở thông thoáng và nhanh chóng liên hệ với nhân viên y tế
Người bệnh không còn thở
- Người bệnh không còn thở cần đặt nằm ngửa, cố định cổ và nhanh chóng thực hiện hồi sức tim phổi
- Trước khi bắt đầu hô hấp nhân tạo, hãy thử đánh thức nạn nhân lần nữa bằng cách gọi to tên họ và hỏi xem có ổn không. Nếu không, bắt đầu tiến hành hồi sức tim phổi và nhanh chóng liên hệ nhân viên y tế đưa tới bệnh viện
Trong quá trình thực hiện hồi sức tim phổi, nếu bạn nhìn thấy hoặc nghi ngờ cổ họng người bệnh vướng dị vật, lúc này hãy cho ngón tay vào miệng và di chuyển qua lại để lấy ra. Nếu không thể đưa dị vật ra ngoài, hãy tiếp tục hồi sức tim phổi. Thao tác này cần được thực hiện liên tục đến khi bệnh nhân có các dấu hiệu như: tim đập trở lại, ho, tay chân cử động,… hoặc có sự can thiệp từ nhân viên y tế. Lưu ý, không nên cố lấy những dị vật mà không nhìn hoặc sờ thấy được.
Người bệnh chảy máu
Nếu người bệnh chảy máu, cần xác định vị trí, sau đó ấn mạnh để máu chảy chậm lại hoặc sử dụng garo để băng vết thương. Nhanh chóng thực hiện các thao tác cầm máu để ngăn bệnh nhân chảy máu quá nhiều, gây khó khăn cho việc điều trị sau này.