CÚM GIA CẦM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT?
Người có thể bị nhiễm virut cúm gia cầm như cúm A (H5N1), A (H7N9), A (H9N2) và các vi rút cúm khác có nguồn gốc từ động vật A (H1N1), A (H1N2) và A (H3N2). Bệnh Cúm gia cầm lây sang người có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp từ mức nhẹ đến mức nghiêm trọng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cho người, vì thế chủ động phòng cúm gia cầm luôn là vấn đề cần thiết.
Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.
Người mắc cúm gia cầm có những triệu chứng gì ?
– Sốt cao kèm rét run trong những ngày đầu, sau đó giảm dần và trở lại bình thường trong vòng 1 tuần kèm theo hội chứng nhiễm trùng với các triệu chứng mệt mỏi toàn thân, chán ăn…
– Nhức đầu quanh hốc mắt, vùng trán hay thái dương, có thể ở vùng chẩm;
– Đau cơ khớp toàn thân
– Các triệu chứng viêm long đường hô hấp trên: sổ mũi, ho khan, có thể có đàm, rát họng.
Bệnh cúm gia cầm lây sang người có nguy hiểm hay không ?
– Bệnh cúm gia cầm lây sang người có khả năng xuất hiện biến chứng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Một số trường hợp bệnh có biến chứng tổn thương ở phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng: thở nhanh, khó thở, SpO2 giảm…
– Biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.
– Các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo.
Đối tượng nào dễ xảy ra biến chứng ?
– Trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải
– Người già trên 65 tuổi
– Phụ nữ có thai
– Người lớn mắc các bệnh mạn tính
– Suy giảm miễn dịch (đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).
Phải xử trí như thế nào đối với người nghi mắc cúm gia cầm ?
Người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm gia cầm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận/huyện, Trạm Y tế xã/phường).
Nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh để có biện pháp xử trí thích hợp. Thuốc kháng vi rút được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định.
Phòng ngừa Cúm gia cầm:
Để chủ động phòng chống dịch, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: THS BS CKI Nguyễn Khổng Tường Minh – Phụ trách khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đồng Nai -2.