TIếNG VIệT

BỆNH RĂNG MIỆNG NGUY HIỂM CẦN CHÚ Ý

Ngày 19.06.2023
Qua Admin

“Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,5 tuổi, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh dừng lại ở mức 64, có liên quan tới bệnh răng miệng.” 

Theo Viện Răng Hàm Mặt Trung Ương Việt Nam, hơn 90% dân số mắc các bệnh lý răng miệng. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn tác động xấu đến sức khỏe tổng thể, từ đó làm giảm sút chất lượng cuộc sống của người dân. Với sự phát triển của y học nói chung và nha khoa nói riêng, hầu hết các bệnh răng miệng phổ biến hiện nay đều có thể phòng ngừa nếu nắm rõ nguyên nhân và chăm sóc đúng cách, kịp thời. Dưới đây là một số bệnh răng miệng thường gặp.

Mối liên quan giữa sức khỏe răng miệng liên quan bệnh toàn thân

Mối liên quan giữa sức khỏe răng miệng liên quan bệnh toàn thân

Triệu chứng chung của các bệnh răng miệng

Các triệu chứng của bệnh răng miệng rất đa dạng theo từng trường hợp. Tuy nhiên, một số triệu chứng phổ biến thường gặp có thể kể đến như:

  • Đau răng dai dẳng.
  • Ê buốt khi ăn phải thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Răng xỉn màu, ố vàng do các tác nhân từ thuốc lá, cà phê,..
  • Đau, sưng, viêm nướu, chảy máu nướu.
  • Nhồi nhét thức ăn.
  • Ăn nhai khó khăn.
Đau răng dai dẳng là một triệu chứng thường gặp khi bị bệnh răng miệng

Đau răng dai dẳng là một triệu chứng thường gặp khi bị bệnh răng miệng

Các loại bệnh răng miệng tiêu biểu

Chăm sóc và phòng ngừa sức khỏe răng miệng đúng cách giúp ngăn chặn các bệnh về nướu, đồng thời mang lại sự tự tin hơn. Dưới đây là những bệnh răng miệng phổ biến và phương pháp điều trị.

Hôi miệng

Khoảng 85% người bị hôi miệng thường gặp các vấn đề răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng, khô miệng hoặc mảng bám lưỡi. Nguyên nhân chính là do thức ăn còn sót lại trong miệng không được làm sạch, chải răng chưa đúng cách, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến các bệnh răng miệng.

Trường hợp người bệnh bị hôi miệng mãn tính, việc sử dụng nước súc miệng chỉ giảm bớt mùi hôi tạm thời, không thể chữa trị tận gốc. Hôi miệng có nhiều nguyên nhân, thường liên quan đến các bệnh lý răng miệng, viêm họng, viêm mũi xoang, amidan hoặc từ dạ dày, đường tiêu hóa, hoặc một số bệnh lý nội khoa … Do đó, bạn nên đến các cơ sở y tế đủ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân chính xác và có lộ trình điều trị phù hợp.

Sâu răng

Bệnh sâu răng là tổn thương tiêu hủy tổ chức cứng của răng (men và ngà răng) không hồi phục, tạo nên lỗ hổng trên thân răng, cổ răng có kích thước khác nhau. Ở giai đoạn sớm, sâu răng thường không gây đau nhức. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển và ảnh hưởng đến tủy răng, cơn đau có thể trở nên dữ dội và khó chịu. Giai đoạn tủy đã chết, bệnh nhân không còn cảm giác ê buốt.

Sâu răng là bệnh răng miệng xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính nếu vệ sinh răng miệng không đúng cách. Vì vậy, để ngăn ngừa sâu răng, cần chải răng sạch sẽ, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng thường xuyên, có thể dùng thêm máy tăm nước để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Sâu răng xảy ra khi các tổ chức cứng của răng bị tổn thương

Sâu răng xảy ra khi các tổ chức cứng của răng bị tổn thương

Bệnh nha chu

Viêm nha chu là một bệnh rất phổ biến của vùng răng miệng. Viêm nướu gặp ở mọi lứa tuổi còn viêm nha chu hay gặp ở lứa tuổi trung niên, người già và là nguyên nhân thường gặp gây mất răng ở người sau 40 tuổi.

Bệnh nha chu là bệnh của tổ chức xung quanh răng. Nguyên nhân chính của bệnh là do tình trạng vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ ở mảng bám xung quanh cổ răng, hình thành vôi răng. Vôi răng càng nhiều thì tình trạng viêm nướu càng nặng, tiến triển thành viêm nha chu có kèm theo viêm dây chằng quanh răng và tiêu xương.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, giảm sức đề kháng của cơ thể. Một số triệu chứng điển hình bao gồm nướu sưng đỏ, chảy máu khi đánh răng, hơi thở có mùi hôi, xuất hiện mủ giữa nướu và răng. Răng lung lay, nướu bị tụt và có cảm giác không bình thường khi nhai. Răng di chuyển dần và thưa ra…

Trong thời gian gần đây, người ta đều quan tâm đến ảnh hưởng có thể có của bệnh nha chu trên một số bệnh mạn tính không lây có tỷ lệ mắc cao như bệnh đái tháo đường, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, viêm khớp dạng thấp, ung thư, trên biến chứng của thai kỳ và bệnh Alzheime,…

Nguy cơ mắc viêm nha chu tăng cao khi vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc lá hoặc do thay đổi nội tiết tố. Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, người bệnh nên thăm khám nha sĩ sớm khi có dấu hiệu bất thường.

Mòn răng

Mòn răng có thể có nguyên nhân cơ học hay hóa học, trong đó phần men răng bị bào mòn.

  • Mòn răng cơ học gây ra bởi sự cọ xát vào mô răng như nhai nghiến, chải răng quá mạnh (mòn cổ răng)
  • Mòn răng hóa học do các chất hóa học mà điển hình là axit gây nên. Axit có thể có trong thức ăn, trong dịch vị dạ dày trào ngược lên miệng (trong bệnh cảnh trào ngược dạ dày – thực quản GERD).

Ê buốt răng (răng nhạy cảm)

Ê buốt răng có thể do tụt nướu, tiêu xương ổ răng, chải răng không đúng cách, nghiến răng, gây quá cảm ngà vùng cổ răng. Biểu hiện của bệnh răng miệng thường thấy là ê buốt khó chịu khi ăn quá nóng, lạnh, chua, quá ngọt, đồ ăn dai cứng, nước có gas, …

Nứt vỡ răng

Nứt vỡ răng có thể xảy ra sau va đập do chấn thương, tai nạn, ăn đồ dai cứng, chơi thể thao, răng bị sâu, …  Bệnh răng miệng này thường có biểu hiện là nứt dọc hoặc gãy ngang thân, chân răng.

Răng nứt không tự lành lại mà gây ra nhiều ảnh hưởng trong quá trình sinh hoạt như:

  • Răng bị ê buốt kéo dài
  • Răng yếu đi khi vết nứt ngày càng lớn hơn.
  • Vết nứt lớn có thể làm lộ ngà và tủy gây ra đau đớn, khó chịu. Khe hở sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng gây ra biến chứng nhiễm trùng răng.

Bệnh lý tủy răng

Viêm tủy răng là tình trạng bệnh răng miệng xảy ra do sâu răng không được điều trị kịp thời. Khi lỗ sâu lan đến buồng tủy, vi khuẩn xâm nhập và gây viêm dẫn đến những cơn đau nhức dữ dội, đặc biệt vào ban đêm. Ngoài sâu răng, viêm tủy có thể do chấn thương, mẻ răng, hoặc thậm chí áp suất môi trường (thói quen ăn nóng rồi uống lạnh đột ngột) thay đổi làm tổn thương tủy.

Viêm tủy răng có hai dạng: viêm tủy có thể phục hồi nếu được điều trị sớm và viêm tủy không thể phục hồi dẫn đến hoại tử tủy. Nếu không chữa trị kịp thời, nguy cơ nhiễm khuẩn lan rộng và mất răng là rất cao. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho cả gia đình, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa khi có dấu hiệu bất thường.

Viêm tủy răng do sâu răng không được điều trị kịp thời

Viêm tủy răng do sâu răng không được điều trị kịp thời

Ung thư miệng – hàm mặt

Theo thống kê từ tổ chức Ung thư miệng (Hoa Kỳ), cứ mỗi 1 tiếng trôi qua lại có người chết vì ung thư miệng. Ung thư khoang miệng, lưỡi, môi và hầu họng là một trong 10 bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Ung thư miệng là bệnh răng miệng nguy hiểm, thường gặp ở những người trên 40 tuổi và có thể đe dọa tính mạng nếu không phát hiện kịp thời.

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư miệng cao hơn ở người lớn tuổi, đặc biệt là những người ở các nước kém phát triển. Nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định, nhưng các yếu tố làm tăng nguy cơ là hút thuốc lá, uống rượu bia, nhiễm virus HPV, tiếp xúc với tia UV, tia X, vệ sinh răng miệng kém, thói quen ăn trầu, ăn dưa cà muối, …. Dấu hiệu cần chú ý gồm tổn thương viêm loét lâu ngày không đáp ứng điều trị, đau dai dẳng, sưng nướu, khó cử động lưỡi và hàm, hoặc xuất hiện bướu ở cổ.

“Người bệnh cũng có thể quan sát các triệu chứng phổ biến của bệnh bạch cầu (ung thư) trong khoang miệng bao gồm: niêm mạc nhợt nhạt, chảy máu nướu răng, sưng nướu, bầm máu, nhiễm trùng miệng và loét lâu ngày không lành,…” (Báo cáo: Biểu hiện các vấn đề răng miệng ở bệnh nhân có bệnh máu ác tính – PGS. TS. Huỳnh Nghĩa – Trưởng khoa Huyết Học Nhi 2 – Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM)

Nếu được phát hiện sớm, bệnh ung thư răng có khả năng chữa khỏi với tỷ lệ sống trên 5 năm đạt 83% và có thể không tái phát trong vòng 10 năm. Vì vậy, nếu có dấu hiệu bất thường, bạn cần đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ung thư miệng là bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở những người trên 40 tuổi

Ung thư miệng là bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở những người trên 40 tuổi

Viêm tuyến nước bọt, áp xe tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt là bệnh răng miệng khá phổ biến, gây ra tình trạng sưng đau ở vùng tuyến mang tai hoặc dưới hàm, khô miệng, hơi thở có mùi hôi và cảm giác khó chịu khi mở miệng. Nguyên nhân thường do nhiễm khuẩn Staphylococcus Aureus, tắc nghẽn ống tuyến bởi sỏi nước bọt hoặc vệ sinh răng miệng kém.

Sỏi tuyến nước bọt hình thành từ sự lắng đọng canxi trong nước bọt, dẫn đến viêm, khiến người bệnh đau nhức khi ăn, có thể kèm theo sốt và xuất hiện hạch nếu bị bội nhiễm. Dù hiếm gặp biến chứng, tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, nên cần được thăm khám và điều trị sớm.

Viêm tuyến nước bọt là bệnh răng miệng phổ biến gây ra tình trạng sưng đau

Viêm tuyến nước bọt là bệnh răng miệng phổ biến gây ra tình trạng sưng đau

Bệnh lý lưỡi, niêm mạc miệng

Viêm lưỡi là tình trạng lưỡi sưng tấy, thay đổi màu sắc và có dấu hiệu bất thường như nóng rát, bề mặt lưỡi bợn trắng nhiều, khó nuốt hoặc mất vị giác. Các nguyên nhân của loại bệnh răng miệng này bao gồm dị ứng, nhiễm trùng, chấn thương miệng, hoặc bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh lý tiêu hóa như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày, … Ngoài ra, mức sắt trong máu thấp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Người bị viêm lưỡi thường cảm thấy đau rát, bề mặt lưỡi xuất hiện vết nứt loét hoặc đốm trắng, có thể giảm hoặc mất vị giác, gây khó khăn trong việc ăn uống. Tùy theo nguyên nhân, điều trị có thể bao gồm dùng thuốc kháng sinh, kháng nấm hoặc giảm viêm, đồng thời tránh các yếu tố gây kích ứng.

Ở người già, hệ thống trao đổi chất và miễn dịch suy yếu, kèm theo rất nhiều bệnh mãn tính cần dùng thuốc kéo dài gây nên triệu chứng khô miệng. Khô miệng làm tăng nguy cơ mắc bệnh sâu răng và khó khăn khi ăn nhai, nuốt.

Đa phần chứng khô miệng không nghiêm trọng, thường là ảnh hưởng tạm thời do tuyến nước bọt hoạt động kém thì có thể khắc phục bằng các biện pháp tại nhà bằng cách bổ sung đủ lượng nước cần thiết trong suốt cả ngày từ 1,5 tới 2 lít, kết hợp thêm bài tập tăng tiết nước bọt, giảm stress. Những trường hợp đặc biệt thì cần lời khuyên từ Bác sĩ chuyên khoa. 

Bên cạnh nước lọc, có thể bổ sung chất lỏng cho cơ thể từ các nguồn thực phẩm khác như: sữa chua, nước dừa, trà thảo dược, món ăn lỏng, trái cây, rau xanh, … Một số nghiên cứu của Nhật Bản đã chỉ ra, bổ sung sữa chua hàng ngày, trong khoảng 2 tới 3 tháng, cải thiện chất lượng nước bọt, tình trạng khô miệng.

Nếu tình trạng khô miệng nghiêm trọng, kéo dài, không cải thiện với các biện pháp trên cùng với triệu chứng nặng đi kèm sau thì cần sớm đi khám bác sĩ. 

Bài viết tham khảo: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Biến chứng của răng khôn

Răng khôn mọc lệch, mọc kẹt thường gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như tiêu xương, giắt thức ăn dẫn đến sâu răng số 7, viêm quanh thân răng và làm xô lệch nhóm răng phía trước. Với xu hướng mọc lệch hoặc ngầm, răng khôn được coi là bệnh răng miệng vì có thể gây đau nhức và ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai.

Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, việc phát hiện sớm và thực hiện nhổ răng khôn khi cần thiết là rất quan trọng. Thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần cũng giúp phát hiện răng khôn mọc ngầm hoặc lệch lạc tiềm ẩn, ngăn ngừa biến chứng về sau.

Răng khôn mọc lệch hoặc ngầm gây đau nhức và ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai

Răng khôn mọc lệch hoặc ngầm gây đau nhức và ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai

Mất răng

Mất răng là vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi, khi răng trở nên yếu và dễ rụng. Nguyên nhân gây mất răng thường gặp như vệ sinh răng miệng kém, nhai thức ăn cứng, tuổi tác cao. Ngoài ra, mất răng còn do chấn thương, tai nạn, hút thuốc, nghiến răng. Mất răng cũng gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý như viêm nha chu, đái tháo đường, sâu răng, … làm cho răng trở nên yếu hơn, có nguy cơ cao bị mất răng.

Mất răng gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ nụ cười, làm xô lệch các răng còn lại, ảnh hưởng khả năng phát âm, khả năng ăn nhai. Nghiêm trọng hơn, khi bị mất răng còn tiềm ẩn nguy cơ tiêu xương hàm, thậm chí gây ra các cơn đau đầu mãn tính, rối loạn khớp thái dương hàm, gây ra thêm bệnh lý răng miệng do khoảng trống gây tích tụ vi khuẩn, … Trong trường hợp mất nhiều răng làm mất kích thước dọc hàm dưới, dễ gây ứ đọng nước bọt, đồ ăn, gây chốc lở mép môi 2 bên, đau rát.

Để ngăn ngừa mất răng, việc chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng và khám nha khoa định kỳ là cần thiết. Hiện nay, phương pháp trồng răng Implant hiện đại giúp phục hồi thẩm mỹ và chức năng ăn nhai, mang lại giải pháp tối ưu cho sức khỏe răng miệng.

Nấm miệng

Nấm miệng là một tình trạng mà trong đó các loại nấm Candida albicans tích tụ trên niêm mạc miệng gây tổn thương răng miệng, thường là trên lưỡi hoặc má trong. Tất cả mọi người đều có nguy cơ, nhiễm nấm miệng, thường xảy ra:

  • Trẻ nhỏ (tưa lưỡi)
  • Những người đeo răng giả, Vệ sinh răng miệng kém
  • Những người sử dụng thuốc corticosteroid hít (thuốc hen, …), kháng sinh làm nhiễu loạn sự cân bằng tự nhiên của các vi sinh vật trong cơ thể. Hoặc mắc các bệnh như HIV/AIDS, ung thư, đái tháo đường, nhiễm trùng nấm men âm đạo…

Các dấu hiệu và triệu chứng của nấm miệng thường phát triển đột ngột, có thể tồn tại trong một thời gian dài.  Tổn thương kem trắng trên lưỡi, má bên trong và đôi khi trên vòm miệng, lợi và amidan. Tổn thương với hình giống như pho mát cottage. Thường đau, cảm giác bông trong miệng. Chảy máu nếu tổn thương cọ xát hoặc cạo. Bệnh nhân thường nứt ở góc miệng, mất vị, …

Nấm có nhiều khả năng lan truyền đến các bộ phận khác của cơ thể nếu bị ung thư/suy yếu hệ thống miễn dịch, vệ sinh kém, môi trường sống bụi bẩn, ẩm thấp, dơ. Các khu vực có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bao gồm mũi xoang, đường tiêu hóa, phổi và gan.

Nấm miệng là một vấn đề nhỏ nếu đang khỏe mạnh, nhưng nếu có một hệ thống miễn dịch suy yếu, các triệu chứng của bệnh nấm miệng có thể nặng hơn và khó kiểm soát.

Xem thêm về bài viết:

Gan nhiễm mỡ có chữa được không

Suy thận sống được bao lâu?

Phương pháp phòng ngừa bệnh răng miệng hiệu quả

Ngoài việc chú ý đến bệnh răng miệng, chúng ta cần chăm sóc răng miệng thật tốt. Dưới đây là những lưu ý quan trọng giúp duy trì sức khỏe răng miệng hiệu quả.

  • Thăm khám nha sĩ định kỳ mỗi 6 tháng.
  • Đánh răng hai lần mỗi ngày bằng kem chứa fluor.
  • Thay bàn chải mỗi 2 – 3 tháng hoặc khi lông bàn chải bị xơ.
  • Sử dụng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ một lần mỗi ngày.
  • Chải lưỡi hàng ngày để loại bỏ vi khuẩn và làm thơm miệng.
  • Đối với người có nguy cơ sâu răng cao, nên điều trị với fluor và sử dụng nước súc miệng.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường.
  • Tránh hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Đánh răng hai lần mỗi ngày

Đánh răng hai lần mỗi ngày

Những sai lầm khi chăm sóc, vệ sinh răng miệng hàng ngày

Chăm sóc răng miệng hằng ngày tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn dễ mắc phải nhiều sai lầm gây hại dẫn đến bệnh răng miệng. Dưới đây là những thói quen cần tránh:

  • Uống nước ngọt không đường nhưng vẫn có thể gây hại cho men răng.
  • Sử dụng nước súc miệng nhiều lần trong ngày làm giảm độ cân bằng tự nhiên của khoang miệng.
  • Đánh răng quá mạnh dễ làm mòn men và tổn thương nướu.
  • Đánh răng khi tắm khiến việc vệ sinh không đạt hiệu quả tốt.
  • Dùng bàn chải lông cứng kết hợp với lực chải mạnh gây tổn hại nghiêm trọng cho răng.
  • Chỉ đến nha sĩ khi có vấn đề như đau hoặc sâu răng, bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh lý răng miệng.

Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đồng Nai -2 là đơn vị chuyên sâu trong việc chẩn đoán và điều trị các vấn đề về bệnh răng miệng. Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, kiến thức vững vàng cùng trang thiết bị hiện đại, bệnh viện cam kết mang đến dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng tối đa nhu cầu khám và điều trị của bệnh nhân.

Dịch vụ khám răng toàn diện tại Bệnh viện Đồng Nai -2 gồm kiểm tra sức khỏe răng miệng tổng quát, làm sạch mảng bám, tư vấn vệ sinh răng và các phương pháp điều trị tiên tiến. Đội ngũ y tá và kỹ thuật viên tại đây luôn tận tình, chu đáo trong từng khâu phục vụ, giúp khách hàng có trải nghiệm chăm sóc răng miệng thoải mái và hiệu quả nhất. Quý khách có thể đặt lịch khám tại Bệnh viện Đồng Nai qua ứng dụng MedPro.

Hiện nay, khi ý thức chăm sóc sức khỏe ngày càng được nâng cao, việc bảo vệ răng miệng cũng được chú trọng hơn. Phòng bệnh răng miệng vẫn tốt hơn chữa bệnh, vì thế, cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa để giữ gìn sức khỏe răng miệng.

TIN TỨC

Tin tức Hoạt động

Xuất tinh ngược dòng​
Ngày 02.01.2025

Xuất tinh ngược dòng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Xuất tinh ngược dòng là hiện tượng tinh trùng đi ngược vào bàng quang thay vì ra ngoài dương vật khi nam giới đạt cực khoái. Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cương dương hoặc sức khỏe, nhưng

Bệnh viện Đồng Nai -2 cung cấp gói khám tiền hôn nhân​ với mức giá hợp lý
Ngày 02.01.2025

Gói chi phí khám tiền hôn nhân​​​ là bao nhiêu?

Việc thăm khám gói khám tiền hôn nhân​​​ ngày càng quan trọng giữa cặp đôi sắp chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân. Các dịch vụ đi kèm trong gói cũng ảnh hưởng đáng kể đến chi phí khám tiền h

Chi phí khám phụ khoa tùy thuộc vào bệnh lý và hạng mục xét nghiệm cần thiết
Ngày 02.01.2025

Chi phí khám phụ khoa bao nhiêu tiền? Gói khám phụ khoa 2025

Khám phụ khoa bao nhiêu tiền là mối bận tâm của nhiều chị em khi muốn kiểm tra sức khỏe sinh sản. Dù vậy, không ít người vẫn còn ngần ngại vì e sợ chi phí cao, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội thăm khám

Kiểm tra sức khỏe trước kết hôn giúp cặp đôi chuẩn bị tốt cho cuộc sống hôn nhân
Ngày 02.01.2025

Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì?

Thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân được xem như bức “tường phòng” bảo vệ sức khỏe sinh sản và hạnh phúc của cặp đôi trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Quá trình này bao gồm kiểm tra t