Nếu mẹ đã từng sinh mổ và đang chuẩn bị chào đón em bé thứ hai, chắc hẳn có nhiều băn khoăn: sinh mổ lần 2 có an toàn không, cần chuẩn bị những gì, có khác gì so với lần trước?
Luôn đồng hành và thấu hiểu nỗi niềm băn khoăn, lo lắng của mẹ bầu trong hành trình đón con yêu, Bệnh viện Đồng Nai -2 xin gửi đến mẹ những thông tin cần thiết về sinh mổ lần hai – để mẹ an tâm, vững vàng và sẵn sàng cho ngày vượt cạn sắp tới.
1. Những điều lưu ý về sinh mổ lần hai:
• Sinh mổ lần hai không còn là điều quá xa lạ, nhưng vẫn cần được theo dõi và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với lần đầu. Mẹ nên ghi nhớ rằng so với lần sinh mổ đầu tiên, sinh mổ lần thứ hai có những yếu tố nguy cơ cao hơn.
• Khoảng cách giữa hai lần sinh mổ nên ít nhất từ 18 – 24 tháng để tử cung có thời gian phục hồi tốt nhất.
• Nguy cơ dính ruột, dính bàng quang, nhau cài răng lược hoặc nứt vết mổ cũ sẽ tăng nhẹ, đặc biệt nếu khoảng cách giữa hai lần sinh quá ngắn hoặc có biến chứng ở lần mổ trước.
• Tình trạng sẹo mổ cũ: có thể mỏng, dính hoặc biến dạng.
• Tăng nguy cơ vỡ tử cung nếu mẹ chuyển dạ tự nhiên trước mổ.
• Mẹ cần khám thai đúng hẹn của Bác sĩ, đặc biệt từ tuần thai thứ 28 trở đi để bác sĩ đánh giá tình trạng sẹo mổ cũ và lập kế hoạch sinh phù hợp.
• Vấn đề về phục hồi sau sinh cũng kéo dài hơn ở lần mổ thứ hai trở đi.
• Vì vậy, việc chuẩn bị không chỉ là mang đồ đi sinh, mà cần một kế hoạch toàn diện về sức khỏe, tinh thần và hỗ trợ hậu phẫu.
2. Mẹ cần chuẩn bị gì cho ca sinh mổ lần 2?
Về sức khỏe:
• Khám định kỳ đúng lịch hẹn.
• Xét nghiệm đầy đủ theo chỉ định, đặc biệt là siêu âm thai định kì, kiểm tra vị trí nhau thai, lượng nước ối cũng như đo bề dày vết mổ trên tử cung.
• Ăn uống đủ chất, bổ sung sắt – canxi – acid folic, DHA đầy đủ.
• Tránh vận động mạnh ở cuối thai kỳ, không xách vật nặng.
• Ngưng ăn uống từ 6–8 tiếng trước giờ mổ (theo hướng dẫn của Bác sĩ).
Về tâm lý:
• Mẹ từng sinh mổ sẽ hiểu rõ cảm giác đau hậu phẫu, do đó lo lắng trước mổ lần 2 là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, để cuộc mổ được chuẩn bị tốt nhất, mẹ nên giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu quá mức.
• Mẹ nên được tư vấn gây tê – gây mê trước mổ, hiểu rõ về quá trình mổ, thời gian hồi phục, các tác dụng phụ thường gặp như: run lạnh, buồn nôn, táo bón, tiểu khó sau mổ.
• Có thể trao đổi với bác sĩ về kế hoạch da kề da sau mổ, điều kiện cho bé bú sớm, giảm cảm giác tách rời mẹ con.
• Có thể trao đổi trước với bác sĩ về quy trình sinh mổ, thời điểm mổ dự kiến để chuẩn bị tốt nhất.
Về hành trang vào viện:
• Giấy tờ cá nhân, sổ khám thai, phiếu siêu âm, xét nghiệm.
• Đồ dùng cá nhân cho mẹ và bé.
• Chuẩn bị người thân đi cùng để hỗ trợ sau sinh.
3. Lời khuyên từ Bác sĩ Sản khoa
• Không nên tự ý đợi chuyển dạ tự nhiên nếu đã có chỉ định sinh mổ lại. Vết mổ cũ có thể nứt bất ngờ khi tử cung co bóp mạnh.
• Thời điểm mổ thường được lên kế hoạch từ 38 – 40 tuần, tùy theo tình trạng thai và sức khỏe mẹ.
• Không nên sinh thường sau sinh mổ ở thai kì trước khi có chống chỉ định như sẹo mổ dọc thân tử cung, vết mổ cũ mỏng, tiền sử vỡ tử cung, nhau tiền đạo…hay chỉ định của sinh mổ lần trước còn tồn tại.
• Sau sinh, mẹ nên vận động sớm, ăn uống nhẹ để hồi phục nhanh hơn.
Sinh mổ lần 2 vẫn an toàn nếu được theo dõi sát và chuẩn bị kỹ lưỡng. Mẹ hãy thăm khám định kỳ theo lịch của bác sĩ, lắng nghe cơ thể mình, giữ tâm lý tích cực để vượt cạn một cách nhẹ nhàng và an toàn.
– Nếu mẹ còn thắc mắc, đừng ngần ngại đến khám tại Khoa Phụ Sản – Bệnh viện Đồng Nai -2 để được tư vấn cụ thể từ đội ngũ Bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Hotline chăm sóc khách hàng: 0933 02 9999