TIếNG VIệT

Lịch ​khám thai định kỳ cho các mẹ bầu trong suốt thai kỳ

Ngày 03.01.2025
Qua Admin

Tuân thủ lịch khám thai định kỳ đầy đủ là rất quan trọng để bác sĩ theo dõi sức khỏe của mẹ bầu và đảm bảo sự phát triển ổn định của thai nhi qua từng giai đoạn. Điều này giúp các bác sĩ phát hiện và can thiệp nhanh chóng các tình huống thai kỳ nguy cơ cao, nhằm ngăn ngừa các biến chứng sản khoa. Vì vậy, để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh, các mẹ bầu cần lưu ý 3 thời kỳ tam cá nguyệt dưới đây.

Khám thai định kỳ là gì?

Khám thai định kỳ (theo dõi thai kỳ) là quá trình kiểm tra và giám sát sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi trong suốt giai đoạn mang thai. Bộ Y tế khuyến cáo mẹ bầu nên khám thai ít nhất 3 lần mỗi tam cá nguyệt. Tuy nhiên, với thai kỳ mắc nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sản giật, số lần khám sẽ nhiều hơn theo chỉ định của bác sĩ.

Trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát, siêu âm thai và xét nghiệm phù hợp theo từng giai đoạn thai kỳ. Thông qua kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, sớm phát hiện các bất thường, đặc biệt là các dị tật thai nhi ngay từ giai đoạn sớm của thai kỳ. Chuyên gia sẽ tư vấn giải pháp can thiệp, cách chăm sóc thai kỳ và giải đáp các thắc mắc của mẹ bầu, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Khám thai định kỳ giúp mẹ bầu theo dõi sự phát triển của thai nhi

Khám thai định kỳ giúp mẹ bầu theo dõi sự phát triển của thai nhi

Vì sao cần khám thai định kỳ?

Trong mỗi giai đoạn của thai kỳ, cơ thể mẹ và thai nhi sẽ trải qua những thay đổi khác nhau. Do đó, việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ, đặc biệt là các mốc khám thai quan trọng nhằm mang lại nhiều lợi ích quan trọng sau:

  • Phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi: Đó có thể là tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, hoặc các bệnh lý tiền sản khoa. Việc phát hiện sớm từ giai đoạn đầu giúp bác sĩ can thiệp kịp thời, giảm thiểu nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi. Một số nghiên cứu cho thấy mẹ bầu tuân thủ khám thai định kỳ giảm nguy cơ tử vong thai nhi xuống 5 lần so với không khám thai.
  • Theo dõi tình trạng thai nhi: Bác sĩ có thể giám sát sự phát triển của thai nhi qua việc đo kích thước tử cung, lắng nghe nhịp tim thai nhi và kiểm tra các yếu tố khác để đảm bảo thai nhi phát triển bình thường.
  • Mang lại sự yên tâm cho mẹ bầu: Việc khám thai định kỳ giúp mẹ bầu cảm thấy an tâm và tự tin hơn trong quá trình mang thai. Các mẹ có thể cùng thảo luận với bác sĩ về mọi thắc mắc hoặc lo lắng của mình. Đồng thời, chuyên gia sẽ tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng phù hợp trong từng thai kỳ.\
Định kỳ đi khám thai giúp mẹ bầu theo dõi sức khỏe thai nhi

Định thai định kỳ đi khám thai giúp mẹ bầu theo dõi sức khỏe thai nhi

Mỗi lần khám thai ở các giai đoạn tam cá nguyệt cung cấp thông tin quan trọng để đánh giá sức khỏe mẹ và thai nhi, sàng lọc sớm các nguy cơ tiềm ẩn. Việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ giúp xác định kế hoạch quản lý thai kỳ hiệu quả, phát hiện sớm rủi ro và can thiệp kịp thời.

Xem thêm: Chi phí khám thai bao nhiêu tiền? Nên khám ở đâu?

Lịch khám thai định kỳ tam cá nguyệt thứ nhất

Ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn cực kỳ quan trọng vì thai nhi đang bắt đầu phát triển trong tử cung. Vì vậy, mẹ bầu không nên bỏ lỡ các buổi khám định kỳ tam cá nguyệt lần đầu này.

Khám thai lần 1 – Tuần thai thứ 5 – 8

Nếu phát hiện bản thân chậm kinh một tuần, có những dấu hiệu mang thai và que thử thai cho kết quả 2 vạch, nên đi khám để xác nhận đã mang thai hay không. Trong lần khám này, bác sĩ sẽ chỉ định một số kiểm tra và xét nghiệm sau:

  • Siêu âm: Kiểm tra vị trí thai trong tử cung, phát hiện các bất thường thai nhi (nếu có) và loại trừ nguy cơ mang thai ngoài tử cung có thể gây nguy hiểm.
  • Tính chỉ số BMI (cân nặng, chiều cao): Nếu chỉ số BMI quá cao (nguy cơ béo phì và thừa cân cao), bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bầu cách kiểm soát cân nặng để giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ.
  • Đo huyết áp: Kiểm tra huyết áp để tránh nguy cơ tiền sản giật.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra nồng độ hormone thai kỳ (hCG), khi siêu âm không rõ ràng, để đánh giá sự phát triển của thai nhi.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra nồng độ kháng thể sau khi tiêm vắc xin, bao gồm kháng thể bệnh sởi, thủy đậu, viêm gan B, giang mai, HIV/AIDS, v.v.

Dựa trên kết quả siêu âm hoặc ngày kinh gần nhất, bác sĩ sẽ xác định tuổi thai và ngày dự sinh để lên kế hoạch chăm sóc cụ thể.

Trong lần khám đầu này, bác sĩ sẽ thu thập một số thông tin về bệnh lý cú sản phụ và gia đình và tiền sử thai kỳ (nếu có), bao gồm:

  • Tiền sử tiền sản giật, sản giật, sinh non hoặc sảy thai sớm.
  • Có con bị dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống, Down trong gia đình.
  • Bệnh di truyền trong gia đình như ung thư, xơ nang, tế bào hình liềm.
  • Mẹ bầu đang điều trị bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường.

Đồng thời, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ về bổ sung vitamin, khoáng chất, chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, tránh làm việc trong môi trường độc hại để bảo vệ sức khỏe mẹ và thai nhi.

Khám thai lần 2 – Tuần thai thứ 8 – 10

Nếu trong lần siêu âm đầu tiên không thấy phôi thai hoặc không nghe thấy nhịp tim, mẹ bầu sẽ được hẹn tái khám vào giai đoạn từ 8 đến 10 tuần. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện hơn về phôi thai và siêu âm tim để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh.

Siêu âm cung cấp hình ảnh thai nhi rõ nét cho bác sĩ

Siêu âm cung cấp hình ảnh thai nhi rõ nét cho bác sĩ

Khám thai lần 3 – Thai được 11 tuần 5 ngày – 13 tuần 6 ngày

Đây được xem là thời điểm “vàng” để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi. Trong lần khám này, mẹ bầu sẽ được kiểm tra toàn diện về sức khỏe bằng cách đo cân nặng, kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu.

Đặc biệt, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm sàng lọc như NIPT, Double Test,… và siêu âm để đánh giá các bất thường lớn có thể xuất hiện ở giai đoạn này, như thai vô sọ, thoát vị rốn hoặc bàng quang lớn. NIPT giúp bác sĩ chẩn đoán trẻ có nguy cơ mắc bệnh Down, Edward, Patau và các bệnh di truyền khác.

Lịch khám thai định kỳ tam cá nguyệt thứ hai

Lúc này, mẹ bầu đã qua giai đoạn nguy hiểm của ba tháng đầu thai kỳ. Đây là thời điểm thai nhi đang phát triển nhanh chóng, do đó mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ để sàng lọc sớm các dị tật bẩm sinh.

Khám thai lần 4 – Tuần thai thứ 16 – 18

Đây là thời điểm lý tưởng để phát hiện các bất thường về hình thái của thai nhi, chẳng hạn như hở hàm ếch, sứt môi, và các dị tật khác. Trong trường hợp sản phụ có nguy cơ dị tật bẩm sinh, bác sĩ có thể đề xuất chọc ối. Mặc dù thủ thuật này có nguy cơ gây sảy thai, tỷ lệ này khá thấp, chỉ khoảng dưới 1%.

Khám thai lần 5 – Tuần thai thứ 20 – 22

Đây là giai đoạn tầm soát các nguy cơ dị tật ở thai nhi. Bác sĩ sẽ siêu âm hình thái để kiểm tra dị tật ở phổi, tim và các cơ quan khác, đồng thời đánh giá tổng thể sự phát triển của thai nhi. Bác sĩ cũng sẽ đo chiều dài kênh cổ tử cung để tầm soát dọa sinh non. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm chuyên sâu. Dựa vào kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn chi tiết cho mẹ bầu.

Khám thai lần 6 – Tuần thai thứ 24 – 28

Mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, sàng lọc tiền sản giật (xét nghiệm nước tiểu, chức năng gan và thận). Bác sĩ có thể kiến nghị sản phụ làm nghiệm pháp dung nạp đường để tầm soát đái tháo đường thai kỳ.

Nếu mẹ bầu mắc viêm gan B, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm máu để quyết định điều trị nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi. Dựa trên tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống và điều trị phù hợp. Đây cũng là thời điểm sản phụ nên tiêm mũi vắc xin ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà.

Thai phụ ở tuần thai thứ 24-28 nên tiêm vắc xin ngừa uốn ván

Khám thai định kỳ ở tuần thai thứ 24-28 nên tiêm vắc xin ngừa uốn ván

Lịch khám thai định kỳ tam cá nguyệt thứ ba

Đây là giai đoạn cuối của thai kỳ, khi thai nhi phát triển nhanh và các cơ quan hoàn thiện. Mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ để sàng lọc, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

Khám thai định kỳ lần 7 – Tuần thai thứ 28 – 32

Sau khi đo cân nặng, huyết áp, mẹ sẽ làm siêu âm hình thái học để phát hiện các bất thường khởi phát muộn như tắc ruột, giãn não thất, và nhiễm trùng bào thai. Đồng thời, bác sĩ sẽ kiểm tra tim thai, ước tính kích thước thai nhi, xét nghiệm máu và nước tiểu để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu cũng sẽ được tiêm mũi thứ hai của vắc xin uốn ván.

Khám thai định kỳ lần 8 – Tuần thai thứ 34 – 36

Khi thai nhi được 34-36 tuần tuổi, mẹ cần đi khám thai mỗi hai tuần một lần để kiểm tra ngôi thai và sự phát triển của thai nhi. Trong những trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể đề xuất thêm các xét nghiệm tùy theo tình trạng cụ thể.

Khám thai định kỳ  9 – Tuần thai thứ 36 – 40

Giai đoạn này rất quan trọng vì thai phụ sắp bước vào quá trình chuyển dạ và cần đi khám thai mỗi tuần một lần. Bác sĩ sẽ siêu âm, xét nghiệm máu, nước tiểu, non-stress test, và kiểm tra cổ tử cung để theo dõi thai kỳ và chuẩn bị cho cuộc sinh. Bác sĩ có thể yêu cầu sản phụ xét nghiệm khung xương chậu để quyết định phương pháp sinh phù hợp và tư vấn cách nhận biết dấu hiệu sắp sinh.

Với mẹ bầu nguy cơ cao hoặc từng gặp biến chứng, bác sĩ có thể đề xuất lịch khám thai định kỳ tăng cường để theo dõi sự phát triển của thai nhi và can thiệp kịp thời. Hãy chọn một bác sĩ đồng hành xuyên suốt để đảm bảo hướng dẫn và hỗ trợ đúng lúc, tạo điều kiện an toàn cho quá trình sinh nở.

Gia đình cần theo dõi sát sao khi sản phụ sắp chuyển dạ

Gia đình cần theo dõi sát sao khi sản phụ sắp chuyển dạ

Xem thêm về bài viết: 

Thực đơn ở cữ cho mẹ sinh mổ

Khám sàng lọc thai nhi hết bao nhiêu tiền?

Khi đi khám thai định kỳ cần lưu ý những gì?

Tuân thủ lịch khám thai định kỳ tam cá nguyệt giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Để quá trình này diễn ra thuận lợi, các mẹ bầu cần lưu ý một số điều sau:

  • Khám thai định kỳ đúng lịch: Mẹ bầu cần ghi nhớ lịch trình để không bỏ lỡ các xét nghiệm tầm soát và sàng lọc nguy cơ cao. Nên chọn bác sĩ đồng hành suốt thai kỳ và đặt lịch khám sớm để tái khám đúng hẹn.
  • Trang phục thoải mái: Mẹ bầu nên mặc đồ rộng rãi và thoải mái, như váy rộng cho siêu âm đầu dò và quần cạp rộng cho siêu âm bụng. Đồng thời, mang giày bệt để di chuyển dễ dàng và an toàn hơn, hạn chế nguy cơ té ngã.
  • Đi tiểu và uống nước trước siêu âm: Trong tam cá nguyệt đầu, mẹ bầu nên uống nhiều nước để làm đầy bàng quang giúp bác sĩ quan sát thai nhi dễ dàng hơn. Ở những giai đoạn sau, mẹ bầu cần đi tiểu trước khi siêu âm để việc quan sát rõ nét hơn.
  • Ăn uống trước khi khám thai: Trước khi khám thai, mẹ bầu nên tránh sử dụng chất kích thích (cà phê, nước ngọt, thuốc lá…), nhịn ăn nếu có xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, và ăn no nếu có siêu âm tim thai hoặc hình thái học 4D. Ngoài ra, hãy mang theo đồ ăn vặt và sữa để bổ sung năng lượng sau khi xét nghiệm.
  • Vệ sinh cơ thể: Mẹ bầu nên tắm rửa sạch sẽ, đặc biệt là vùng kín, trước khi đi khám. Hạn chế sử dụng nước hoa có mùi hương quá nồng. Trong những tuần cuối thai kỳ, mẹ có thể dùng băng vệ sinh mỏng nếu cảm thấy ẩm ướt.
  • Mang theo hồ sơ khám thai: Hồ sơ khám thai đầy đủ thông tin giúp bác sĩ tham khảo và so sánh thông tin khi cần thiết. Với những mẹ bầu tham gia bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm thai sản nên lấy giấy xác nhận khám thai để được hưởng các quyền lợi theo chế độ nghỉ thai sản.
Hãy khám phụ sản tại Bệnh viện Đồng Nai -2

Hãy khám phụ sản tại Bệnh viện Đồng Nai -2

Những lần khám thai định kỳ đều đặn giúp bác sĩ phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các vấn đề sức khỏe, bảo vệ mẹ bầu và thai nhi. Hãy chọn bác sĩ phụ sản uy tín để hành trình sinh nở trở nên nhẹ nhàng và an toàn hơn. Để đặt lịch khám thai định kỳ tại Bệnh viện Đồng Nai -2, vui lòng liên hệ qua số hotline 0933 02 9999 hoặc gửi địa chỉ benhviendongnaib@benhviendongnao.com.vn.

TIN TỨC

Tin tức Hoạt động

Ngày 05.02.2025

CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH CÚM KHI THỜI TIẾT GIAO MÙA

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi-rút cúm lưu hành ở tất cả các nơi trên thế giới. Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau

Ngày 02.02.2025

BỆNH SỞI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Bệnh Sởi là gì? Biểu hiện của bệnh Sởi?

Ngày 23.01.2025

CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TRONG NHỮNG NGÀY TẾT

Tết là dịp sum vầy bên gia đình, nhưng cũng là thời điểm người cao tuổi dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Các lí do nội khoa thường gặp nhập viện: đau bụng (ngộ độc thức ăn, viêm t

Ngày 23.01.2025

BỆNH VIỆN ĐỒNG NAI -2 TRIỂN KHAI TIÊM NGỪA VACXIN ZONA THẦN KINH (GIỜI LEO)

Bệnh zona (Herpes zoster) là một bệnh lý da thường gặp do sự tái kích hoạt của vi rút Varicella zoster (VZV), ước tính có 3 người lớn sẽ có 1 người mắc bệnh zona. Hơn 90% người lớn từ 50 tuổi trở lên có v